Hôm Thứ Ba, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho biết sẽ giữ lãi suất ở mức “hết sức thấp” ít nhất cho tới năm 2013. Loan báo đó dường như đã giúp thị trường chứng khoán Châu Âu hồi phục.
Các nhà phân tích trên khắp Châu Âu nói rằng lời cam kết của Hoa Kỳ sẽ giữ lãi suất ở mức thấp là tin đáng mừng.
Nhưng ông Robert Halver - một nhà buôn chứng khoán thuộc Ngân Hàng Baader của Đức - nói rằng loan báo đó vẫn chưa đủ để xoa dịu những lo ngại trong trường kỳ. Ông nói:
“Chúng ta nhận được bảo đảm là lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong môi trường Hoa Kỳ trong 2 năm nữa. Đây là một trái độn tuyệt vời, nhưng nó không đủ để bình ổn thị trường, chúng ta cần một giải pháp chính trị để giải quyết những vấn đề khó khăn trên khắp thế giới.”
Danh sách các nước được đánh giá tín dụng cao nhất (AAA) bởi cả 3 tổ chức đánh giá tín dụng quan trọng, kể cả Standard & Poor’s (S&P):
Các quốc gia được S&P đánh giá cao thứ nhì (AA+):
|
Ông Halver nói các thị trường có phần chắc sẽ vẫn bất ổn cho tới khi nào không khí chính trị trở thành rõ rệt hơn.
Ông cho biết: “Tôi nghĩ, điều hết sức quan trọng là chính trị phải tìm ra các giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nần và để cải thiện các triển vọng kinh tế tại Hoa Kỳ trong lúc này, nhưng tại khu vực sử dụng đồng euro, tôi không thấy có một giải pháp rõ ràng để giải quyết những khó khăn mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày.
Tuần này, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế có trụ sở tại Paris nói rằng, hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng chậm. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại Hoa Kỳ.
Tuần trước, mức tín nhiệm tín dụng của Hoa Kỳ đã bị giáng cấp và một số nhà phân tích lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lại rơi vào tình trạng suy thoái.
Ông Olivier de la Ferriere, quản lý một quỹ đầu tư tại Pháp, nhận định rằng tăng trưởng kinh tế chậm có nghĩa là các thị trường sẽ vẫn dè dặt, và môi trường kinh doanh vẫn có nhiều bất định.
Tại Châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ nần của nhiều chính quyền, vẫn đang tiếp diễn, là yếu tố đóng góp gây ra tình hình khó khăn này. Ba nước gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, đã phải nhờ đến các kế hoạch cứu nguy của các nước láng giềng để tránh tình trạng không thanh toán được nợ đúng hạn.
Một số người e ngại rằng Ý và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế lớn hơn của Châu Âu, có thể cũng đang đi theo chiều hướng đó.
Các nước trong khu vực đồng euro do Đức và Pháp lãnh đạo, đã ra tay giúp đỡ các nước láng giềng đang lâm vào tình trạng khó khăn. Hôm Thứ Hai, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã mua công trái của Tây Ban Nha và Ý trị giá nhiều tỉ đô la sau khi hai nước này bị giới đầu tư tư nhân tránh xa.
Giới đầu tư nói rằng các quyết định kinh tế đưa ra sau các cuộc tranh cãi chính trị gay gắt thường tạo ra một bầu không khí bất định.
Ông Howard Wheeldon, một nhà đầu tư có trụ sở ở London nói rằng, điều cần làm là cải cách toàn diện phương thức hoạt động của khu vực sử dụng đồng euro, sử dụng một chỉ tệ duy nhất. Ông nói:
“Thật đơn giản, trừ phi chúng ta có những ý kiến mới mẻ và chấp nhận rằng đồng euro, dưới hình thức hiện tại - có thể nói là cuộc thí nghiệm về việc sử dụng một chỉ tệ duy nhất - đã thật sự thất bại, chúng ta cần tái xét để tìm ra một phương cách để tiến tới phía trước.”
Ông Wheeldon nói trong khi chờ đợi tới khi các chính trị gia đưa ra cam kết rõ rệt, các thị trường sẽ vẫn còn bất ổn.