Đường dẫn truy cập

Chứng khoán châu Âu bật dậy trở lại trong phiên giao dịch nhiều dao động


Các nhà giao dịch chứng khoán ở Paris theo dõi tình hình thị trường
Các nhà giao dịch chứng khoán ở Paris theo dõi tình hình thị trường

Thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm trong phiên giao dịch sáng sớm ngày thứ Năm, phần lớn do những sự lo ngại về sự lành mạnh về tài chánh của các ngân hàng thuộc lục địa này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bật dậy trở lại vào buổi chiều sau khi các nhà lãnh đạo Pháp và Đức dự trù tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để giải quyết khủng hoảng nợ của khu vực sử dụng đồng euro.

Lúc đầu tưởng chừng như có thêm một ngày sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu, tiếp sau sự giảm sút của những chỉ số chính tại châu Á.

Tuy nhiên chiều hướng này đã đảo ngược vào buổi chiều.

Các nhà phân tích nói những nhà đầu tư được khích lệ về nguồn tin Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp nhau vào thứ Ba tuần tới để thảo luận về tình hình nợ nần của châu lục này.

Ngay cả với việc thị trường chứng khoán tăng vào cuối ngày, trong suốt hai tuần lễ qua, chỉ số chứng khoán London giảm hơn 15% và các chỉ số của Đức và Pháp cũng giảm hơn 20%.

Các nhà đầu tư càng ngày càng lo ngại là những khó khăn trong nền kinh tế của các nước thuộc khu vực đồng euro có thể phải đối diện với những khó khăn nhiều hơn trong việc trả nợ, và nhiều quốc gia cũng như nhiều ngân hàng thương mại có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên động thái của hai nhà lãnh đạo lớn của châu Âu đích thân can dự để làm giảm tình hình căng thẳng nợ nần đã làm các nhà đầu tư đủ tin tưởng để thay đổi cuộc diện của thị trường chứng khoán.

Giáo sư Iain Begg của Trường Kinh tế London nói hành động quyết đoán của các nhà lãnh đạo quốc gia đúng là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và ảnh hưởng của nó lên thị trường chứng khoán, niềm tin của các ngân hàng và tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư Begg nói: “Nếu chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào sự chuyển động của một ngày hay một vài giờ trên thị trường chứng khoán, cuối cùng chúng ta sẽ mất nhiều thì giờ nhìn chăm chăm vào bản thân của chúng ta và sẽ không có khả năng giải quyết những gì đang thực sự xảy ra. Tôi nghĩ là những gì các nhà chính trị đang làm là một dấu hiệu cảnh báo. Và hiện nay tình hình tùy theo các nhà chính trị hành động quyết liệt hơn và có kết hợp hơn. Nếu họ làm như thế thì những xáo động trên thị trường chứng khoán sẽ tan biến đi.”

Trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội Anh hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài chánh Pháp George Osborne đổ lỗi cho việc thị trường chứng khoán sụt giảm là do thiếu sự tin tưởng về khả năng trả nợ của các chính phủ. Ông kêu gọi hành động quốc tế để giải quyết tình hình này.

Bộ trưởng Osborne nói: “Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như của châu Âu, và tại cuộc họp mùa thu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và khối G-20, chúng ta cần có những tiến bộ lớn hơn về sự mất thăng bằng toàn cầu. Chúng ta cần có một khuôn khổ quốc tế cho phép những quốc gia chủ nợ như Trung Quốc gia tăng mức cầu, và những quốc gia con nợ thực hiện những điều chỉnh khó khăn cần thiết để trả nợ.”

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ban hành những đảm bảo nhằm tăng cường lòng tin đối với những nền kinh tế đang gặp khó khăn như Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Tuy nhiên một số chuyên gia nói là thị trường chứng khoán châu Âu không thực sự ổn định cho đến khi nào có thỏa thuận về phát hành trái phiếu châu Âu, qua đó, các quốc gia riêng rẽ có thể vay tiền có sự bảo đảm đầy đủ của tất cả các nước khu vực đồng euro.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG