Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF muốn có thêm giúp đỡ tài chánh để bảo vệ trước sự suy sụp của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu; nhưng Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản nói trước tiên, châu Âu cần làm nhiều hơn nữa để tự giúp mình.
Những khó khăn về nợ của châu Âu sẽ là trọng tâm thảo luận của nhóm G20 vào tuần này tại Mexico City, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chánh những nước phát triển và những nền kinh tế mới nổi. IMF đang tìm 500 tỉ đô la để phòng hờ cuộc tranh luận của châu Âu về cách giữ cho Hy Lạp khỏi phải vỡ nợ kéo dài.
Các quốc gia châu Âu hứa gần 200 tỉ đô la cho IMF, nhưng những quốc gia khác cho tới nay chưa cam kết cung cấp ngân khoản mới cho tới khi nào châu Âu cung cấp đủ 600 tỉ đô la để dùng cho những trường hợp khẩn cấp trong tương lai, có hiệu lực vào tháng 7 tới đây.
Nhật Bản cho biết có thể cung cấp 50 tỉ đô la nhưng không đưa ra những cam kết rõ rệt. Trung Quốc hứa gia tăng giúp đỡ châu Âu, nhưng chưa hành động. Trong tuần này, Hoa Kỳ cho biết nguồn lực của IMF không thể thay thế cho nguồn lực bảo vệ mạnh mẽ và đáng tin cậy của châu Âu.
Hôm thứ Sáu, Hy Lạp thảo luận một thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân để giảm 142 tỉ đô la, hơn một nửa số nợ với các chủ nợ.
Vì Hy Lạp có kế hoạch nới rộng thời gian trả nợ sau khi tái cấu trúc, những chủ nợ tư nhân sẽ mất khoảng ba phần tư các khoản đầu tư ban đầu. Tuy nhiên một chuyên viên ngân hàng Hy Lạp, ông George Tselios nói các chủ nợ ít có sự lựa chọn nào khác là chấp thuận những điều khoản cho vay mới.
Chính phủ Hy Lạp vay được 172 tỉ đô la tiền cứu nguy trong tuần này từ các nước láng giềng châu Âu và IMF. Đây là khoản tiền cứu nguy thứ nhì của Hy Lạp trong hai năm qua. Việc giảm nợ cũng như tiền cứu nguy mới, cùng với những biện pháp khắc khổ mới không được ưa chuộng, là một phần của kế hoạch giữ cho Hy Lạp khỏi phải vỡ nợ đối với khoản vay 19 tỉ đô la vào tháng tới.