Các nhà lãnh đạo châu Âu đã chấp thuận một ngân quĩ mới, thường trực, 661 tỉ đô la để giúp cứu nguy cho các nước bị khủng hoảng nợ nần của châu lục, nhưng vẫn còn phải lo giải quyết những vấn đề khó khăn kinh tế khác tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của năm 2012.
Các nguyên thủ quốc gia nhóm họp tại Brussels hôm thứ Hai và đã chứng kiến ngay lập tức sự nhắc nhở về những khó khăn tài chánh của đại lục này.
Các công nhân Bỉ đã tổ chức cuộc tổng đình công đầu tiên của họ kể từ năm 2005 để phản đối các biện pháp khắc khổ được áp dụng tại nước họ. Một số chuyến bay vào và ra khỏi nước bị hủy bỏ, và các dịch vụ chuyên chở đường bộ bị tạm ngưng.
Quỹ cứu nguy mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng Bảy, sớm hơn kế hoạch ban đầu một năm, và được quy định là cuối cùng sẽ thay thế một kế hoạch cứu nguy tạm thời nhỏ hơn.
Ba trong số 17 quốc gia sử dụng đồng euro – Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha – đã bị buộc phải nhờ kế hoạch cứu nguy của quốc tế, với Hy Lạp hiện nay đang tìm cách để được chấp thuận một kế hoạch cứu nguy thứ nhì.
Tình trạng bấp bênh của tài chánh Hy Lạp là đề tài chính tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu.
Đức, là nước có nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, đã đề nghị bổ nhiệm một ủy viên kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu để giám sát sự chi tiêu của chính phủ Hy Lạp, một ý kiến bị Hy Lạp phản đối.
Lãnh đạo các nước Châu Âu vẫn còn đang tranh luận về việc áp đặt kế hoạch kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn cho từng quốc gia trên khắp Châu lục này và đồng thời bắt đầu thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Châu Âu.
Các nhà phân tích kinh tế nói rằng đại lục này có thể bị rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ trong nửa đầu năm nay.