Ngay cả trước khi các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu tụ tập tại Brussels, hai sự kiện xảy ra nhắc nhở họ là cuộc khủng hoảng kinh tế còn lâu mới chấm dứt.
Cuối ngày thứ Tư, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates xin từ chức sau khi quốc hội bác bỏ ngân sách khắc khổ mới nhất của ông.
Và hàng ngàn công nhân biểu tình tại thủ đô Bỉ chống lại cải cách kinh tế mà họ cho là quá có lợi cho những doanh gia.
Lãnh đạo EU dự trù đồng ý trong hội nghị thượng đỉnh này về một loạt các bước để ngăn chận sự lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chánh trong số 17 quốc gia cùng sử dụng đồng euro. Tuy nhiên những nhà phân tách như ông Olivier Jehan, người đứng đầu văn phòng Brussels của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nghi ngờ là điều này sẽ xảy ra:
“Thật khó đạt được một thỏa thuận nếu có một chính phủ lâm thời tại Bồ Đào Nha, cộng thêm một số các khó khăn chính trị tại Phần Lan.”
Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức, nơi người dân không đồng ý cứu nguy những quốc gia thành viên bị kẹt trong nợ nần như Hy Lạp, cũng đang phải đối phó với những cuộc bầu cử cấp vùng quan trọng. Đức chắc chắn sẽ đòi hỏi những điều kiện khó khăn hơn để cho những nước thành viên nghèo vay.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Socrates không sẵn sàng đi theo con đường của Hy Lạp và Ireland.
Chuyên viên Jehan nghi ngờ một biện pháp gỡ nợ cho Bồ Đào Nha sẽ được thỏa thuận trong tháng này:
“Việc đầu tiên là tìm một chính phủ mới. Tôi không chắc là chính phủ hiện nay, sau khi thủ tướng từ chức, có thể có quyết định về vấn đề này.”
Tình hình Libya cũng sẽ chế ngự nghị trình của hội nghị vì những thành viên EU chia rẽ về hành động quân sự hiện nay. Các nhà quan sát nói không chắc những nhà lãnh đạo sẽ đạt được một quyết định quan trọng về Libya trong tuần này, ngoài vấn đề trợ giúp nhân đạo.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu thảo luận về những đường lối ngăn chặn sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro, dẫn đến việc từ chức của Thủ tướng Bồ Đào Nha.