Hôm 28/5, một quan chức cấp cao của Liên hiệp Châu Âu hối thúc chính phủ Việt Nam ký kết các hợp đồng tài chính cho các dự án chuyển đổi năng lượng, trước mắt là ký 2 hợp đồng dự án trong năm 2024, nếu không sẽ bị mất tiền tài trợ.
Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế phát biểu như trên với báo giới hôm 28/5 tại Hà Nội khi bà có chuyến đi thực địa tại Việt Nam để đánh giá việc hợp tác giữa EU và Việt Nam trong việc triển khai chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) của Liên hiệp châu Âu (EU).
Cửa ngõ Toàn cầu là một chiến lược của EU nhằm hỗ trợ đầu tư sạch và giúp các nước đối tác đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
“Trong việc triển khai chiến lược, các bước về thủ tục hành chính và kỹ thuật cần được đáp ứng”, trang Dân Việt dẫn lời Ferran cho biết tại buổi họp báo. “Phái đoàn EU tại Hà Nội đang thảo luận với Việt Nam để ký kết các hợp đồng tài chính, trong đó 2 hợp đồng cần được ký trước cuối năm nay, 2 hợp đồng trước cuối năm 2025, nếu không kịp sẽ mất nguồn vốn tài trợ”, bà cảnh báo.
“Trong chuyến công tác, chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với bộ Tư pháp về các dự án đang triển khai. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có dự án cần triển khai. Vấn đề là phải đảm bảo các mốc thời gian,” trang Người Lao động dẫn lời quan chức EU cho biết.
Như VOA đã đưa tin, hôm 17/5, hãng tin Reuters cho biết rằng Việt Nam mất 2,5 tỷ đôla viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và sẽ có thể bị mất thêm 1 tỷ đôla nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính.
Đó là nội dung một bức thư của Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây, bao gồm các nước EU, trong đó cảnh báo chính phủ Việt Nam về sự thất vọng của họ đối với những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc giữa lúc quốc gia Cộng sản này đang bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang và tình trạng bất ổn chính trị.
Bức thư gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói rằng những khoản tiền này lẽ ra có thể đã được chi cho các dự án rất cần thiết như nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, nhưng hiện có nguy cơ bị thất thoát do sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt.
Global Gateway của EU tạo điều kiện đầu tư nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu như chuyển đổi xanh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi là công bằng và có lợi cho toàn bộ dân số toàn cầu.
Trong khuôn khổ chiến lược này, EU và các đối tác G7 đang hỗ trợ triển khai Dự án Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT) để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng.
Cụ thể, EU cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng và chuẩn bị và thực hiện các dự án của Việt Nam liên quan đến các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 hồi tháng 12/2022 hướng tới trung hòa carbon và loại bỏ dần than.
“Chúng tôi nhấn mạnh tới sự đóng góp của viện trợ không hoàn lại đang là lựa chọn số một của cơ chế JETP. Cơ chế này đang huy động vốn rất lớn - 10,5 tỉ euro. Trong đó, EU và các nước thành viên: Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu, các định chế tài chính… đang thúc đẩy thực hiện thoả thuận cấp vốn tổng 500 triệu euro với Việt Nam”, trang Người Lao động dẫn lời bà Ferran cho biết.
Bà cho biết trong giai đoạn 2021-2024, EU đã cam kết viện trợ không hoàn lại 210 triệu euro cho Việt Nam, trong đó có 140 triệu euro cho lĩnh vực năng lương, theo trang Soha.
“Cách thức thực hiện là loại bỏ dần năng lượng hoá thạch, tạo việc làm từ thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam theo hướng bền vững”, bà Ferran nêu khuyến nghị.
Truyền thông Việt Nam cho biết dự kiến trong chuyến thăm này bà Ferran sẽ có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư Pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp châu Âu…
Ngoài ra, bà sẽ thăm dự án Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái ở tỉnh Ninh Thuận, cũng như sẽ tham gia lễ ký mở rộng dự án giai đoạn 2 tuyến đường sắt đô thị số 3 ở Hà Nội mà EU hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khả thi cho Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5