'EU đã không bênh vực những giá trị của Châu Âu'

  • Lisa Bryant
Một phúc trình mới nói rằng Liên hiệp châu Âu đã không bênh vực mạnh mẽ những giá trị của họ, như tự do bày tỏ, và trấn áp những đe dọa, như sự theo dõi của chính phủ cả bên trong cũng như bên ngoài khối này.

Công bố hôm thứ Năm bởi Index on Censorship có trụ sở tại London, phúc trình này nêu lên khuyết điểm của Liên hiệp châu Âu với 28 thành viên và cánh hành pháp của họ, Ủy ban châu Âu, là trên phương diện tự do bày tỏ, lời nói của họ không đi đôi với hành động mạnh.

Cuộc khảo cứu này đưa ra một số thí dụ, trong đó có một thí dụ nhạy cảm nhất năm nay - đó là trường hợp của một công dân Hoa Kỳ, ông Edward Snowden, người đã tiết lộ bằng chứng về sự theo dõi của Hoa Kỳ tràn lan tại châu Âu và các nơi khác.

Ông Mike Harris, giám đốc tổ chức Index on Censorship và cũng là tác giả của phúc trình này nói rằng, không phải các quốc gia châu Âu chỉ bác bỏ việc cho Snowden tỵ nạn, mà họ còn không bênh vực mạnh mẽ cho báo chí châu Âu như The Guardian của Anh, là nhật báo đã đưa tin về những bằng chứng bị tiết lộ này. Ông nói:

“Thật sự đã không có một hành động phối hợp của châu Âu để nói rằng, vai trò của châu Âu và những khát vọng của Liên hiệp châu Âu là bảo vệ đời tư và sự quan trọng của các cơ quan truyền thông để bảo vệ tự do bày tỏ.”

Phúc trình này đề cập tới một một loạt rộng rãi các vấn đề vượt rất xa vấn đề Snowden. Phúc trình này đề nghị một biện pháp được gọi là “phiếu ghi điểm dân chủ”, đặt một số quốc gia phương Bắc như Thụy Điển và Phần Lan lên hàng đầu và một số nước khác như Romania và Hungary ở dưới chót.

Phúc trình này cũng chỉ trích Ủy ban châu Âu là đã không đưa ra một bênh vực mạnh mẽ cho tự do bày tỏ tại các quốc gia như các nước thành viên Hungary, cùng với các nước không phải là thành viên như Azerbaijan hay các nước được gọi là các quốc gia Mùa Xuân Ả Rập. Ông nói:

“Liên hiệp châu Âu đã không sử dụng sức mạnh họ có như là một khối thương mại lớn nhất thế giới, sức mạnh kinh tế mà họ có, để thực sự thúc đẩy quyền của công dân các nước láng giềng của họ.”

Ông Harris nói rằng, khi châu Âu hành động, họ đã tạo được một sự khác biệt.

“Chẳng hạn ở Belarus, châu Âu áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào một số người đồi bại nhất tham gia trong một chế độ. Và thông điệp mạnh mẽ đó được gửi tới Tổng thống Alexander Lukashenko là một trong những lý do chính tại sao chúng ta có được việc phóng thích gần một nửa các tù nhân chính trị bị bắt giữ trong năm 2010.”

Các giới chức Liên hiệp châu Âu đã không đáp lại ngay lời kêu gọi và các e-mail yêu cầu trả lời. Nhưng các Ủy viên EU như Viviane Reding đã lên tiếng đều đặn trong việc bảo vệ tự do báo chí. Ngoài ra, Nghị viện vhâu Âu đã biểu quyết về việc mời Snowden ra làm chứng về việc theo dõi của Hoa Kỳ và tổ chức Green của Nghị viện này đã đề cử ông Snowden làm ứng viên cho giải Sakharov, giải thưởng cao nhất về nhân quyền.