Nhà hoạt động xã hội Zakeya El Nahas nằm trong số những người biểu tình đã giúp phá vỡ sự im lặng chính trị cho phụ nữ Ai Cập. Bà nói rằng đã có một số sự thay đổi khi những người biểu tình bắt đầu xuống đường vào ngày 25 tháng Giêng.
"Tôi không thể cưỡng lại việc xuống đường mỗi ngày. Ngày nào tôi cũng tham gia vào cuộc biểu tình. Tôi muốn nói là tinh thần lúc đó rất khác. Có một sự gắn bó giữa tất cả mọi người ở đó."
Phụ nữ đã có được một mức độ tự do và bình đẳng mới trong 18 ngày biểu tình khi họ cùng tuần hành bên cạnh nam giới và ăn mừng thắng lợi trong việc lật đổ chính phủ của ông Mubarak.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Human Rights Watch, bà Nadya Khalife, nói rằng khi niềm hân hoan đó lắng xuống và thực tế xây dựng lại chính phủ bắt đầu được tiến hành thì phụ nữ đang phải đối mặt với việc bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình chính trị.
"Đã xuất hiện một số nhóm phản đối sự hiện diện của phụ nữ trong chính trường. Họ phản đối những người phụ nữ đang đòi được bình đẳng. Vì vậy tôi nghĩ đây sẽ không phải là một cuộc chuyển tiếp dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ rằng phụ nữ Ai Cập rất cương quyết đòi được tham gia vào tiến trình chính trị này.”
Bà nói rằng chưa vị trí nào được trao cho phụ nữ trong Hội đồng chuyển tiếp, được biết đến với tên gọi Ủy ban của Những người Đàn ông Sáng suốt (Committee of Wise Men), chịu trách nhiệm soạn thảo tu chính hiến pháp. Điều 75 của hiến pháp cũng ám chỉ rằng nguyên thủ quốc gia sẽ là một người đàn ông.
Vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, 8/3, một đám đông đàn ông đã tấn công những người phụ nữ biểu tình đòi bình quyền ở Quảng trường Tahrir, trung tâm của các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng Hai.
Mặc dù phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở Ai Cập đã đạt được những thành công về nghề nghiệp và học thuật, nhưng tổ chức Human Rights Watch cho rằng luật gia đình phân biệt đối xử đối với họ trong việc kết hôn, ly dị, giám hộ, trông nom con cái và thừa kế tài sản.
Valentine Moghadam là chuyên gia về sự thay đổi xã hội ở Trung Đông và Bắc Phi. Bà nói rằng quan niệm văn hóa khiến nhiều phụ nữ ở tầng lớp hạ lưu bị hạn chế trong vấn đề tìm việc làm. Bà nói rằng các công việc đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật mà phụ nữ trung lưu và thượng lưu nắm giữ được coi là phù hợp hơn với nam giới. Nhưng bà cho rằng chính trị được coi là không phù hợp cho phụ nữ ở bất kỳ tầng lớp nào.
"Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người dân coi việc phụ nữ tham gia chính trường và trở thành lãnh đạo chính trị là không phù hợp, và rằng đàn ông có thể làm lãnh đạo tốt hơn phụ nữ."
Giáo viên người Ai Cập Samah Khamis cũng đồng ý như vậy.
"Quí vị có thể nói phần lớn phụ nữ Ai Cập thiếu hiểu biết về chính trị. Có hai điều thực sự được dành riêng cho nam giới đó là: thể thao và chính trị."
Bà Moghadam, một giáo sư xã hội học tại trường đại học Purdue, nói rằng trong quá khứ, phụ nữ chưa có nhiều đồng minh có ảnh hưởng trong chính phủ và điều này có phần chắc cũng sẽ không thay đổi trong tương lai.
"Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi đáng kể. Các chỉ dấu hiện tại không cho thấy có hy vọng nào về một sự hiện diện đáng kể của phụ nữ hay các đại diện của các nhóm phụ nữ trong chính phủ."
Tân thủ tướng Ai Cập, Essam Sharaf, đã bổ nhiệm một thành viên nữ duy nhất trong Nội các, mặc dù ông nói rằng ông sẽ thành lập một ủy ban dành cho phụ nữ tham gia vào quá trình tái thiết đất nước.
Ai Cập đã trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên bầu một phụ nữ vào quốc hội hồi năm 1957. Tuy nhiên, gần 50 năm sau, vào năm 2005, quốc hội gồm cả hai viện với 782 ghế chỉ có 4 thành viên là nữ. Năm 2009, 64 ghế được dành cho phụ nữ tại hạ viện.
Bà Moghadam nói rằng phụ nữ đang ở thế bất lợi trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9. Bà nói rằng phụ nữ không có đủ thời gian để vận động và cạnh tranh với phong trào chính trị như nhóm Huynh đệ Hồi giáo và các nhóm có liên hệ với chính phủ cũ.
Tuy nhiên, một số phụ nữ Ai Cập cảm thấy hiện giờ là lúc tập trung thành lập một nhà nước dân chủ. Bà Khalife mô tả ý kiến của một phụ nữ mà bà đã tiếp xúc ở Quảng trường Tahrir vào ngày Quốc tế Phụ nữ.
"Đại ý bà ấy nói rằng giờ không phải là lúc để phụ nữ biểu tình. Giờ là lúc nên thành lập các thể chế ở nước này và sau đó mới đến quyền của phụ nữ.”
Bà Khamis, người lớn lên trong một gia đình trí thức của Ai Cập, tin rằng việc phụ nữ tham gia vào chính phủ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bà cho rằng phụ nữ đã bị loại ra khỏi chính trường quá lâu đến nỗi họ cần được học về chính trị trước khi tham gia.
"Trước hết họ cần phải học hỏi thêm về chính trị. Họ nên bắt đầu với tốc độ chậm, chậm nhưng chắc để tìm hiểu thêm về xã hội và những điều khác. Bởi lẽ họ đã bị ngăn trở từ lâu rồi. Họ phải phát triển một hình thức khả tín nào đó trước đã. Tôi không phản đối ý tưởng hay quan niệm về vấn đề này, nhưng tôi phản đối vấn đề về thời điểm."
Bà Khamis và nhà hoạt động xã hội El Nahas đều thừa nhận rằng phụ nữ và các nhóm thiểu số Ai Cập sẽ phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài ở phía trước trong việc đòi bình quyền, tuy nhiên họ hy vọng sẽ có sự thay đổi.
Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhắc lại rằng phụ nữ nên được tham gia vào “mọi khía cạnh của công cuộc cải cách chính trị và thể chế” trên khắp Bắc Phi và Trung Đông. Bà nói rằng không chính phủ nào có thể thành công nếu loại bỏ một nửa dân số của họ và không tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi công dân nước mình.
Một số các nhà lập pháp nữ của Hoa Kỳ đã đưa ra một nghị quyết hồi tuần trước kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Đông và Bắc Phi hãy để phụ nữ tham gia vào quá trình cải cách hiến pháp và chính trị.