Đường dẫn truy cập

Ðàn ông Châu Á né tránh việc nhà


Kết quả khảo sát của OECD về số thời phút mà đàn ông dành để làm việc nhà mỗi ngày.
Kết quả khảo sát của OECD về số thời phút mà đàn ông dành để làm việc nhà mỗi ngày.

Một khảo sát mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy đàn ông châu Á, đặc biệt là đàn ông Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ, làm việc nhà ít hơn so với đàn ông ở những nước châu Âu và châu Mỹ như Đan Mạch, Thụy Điển hay Mỹ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 29 nước thành viên về số thời gian mà mọi người dành để làm những công việc không được trả lương.

Những công việc không được trả lương được định nghĩa là việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ không được bán trên thị trường, ví dụ như nấu nướng, làm vườn, dọn dẹp, chăm sóc con cái, hay còn gọi là công việc nhà.

Cuộc khảo sát kéo dài một năm cho thấy tại tất cả các nước, phụ nữ đều dành nhiều thời gian để làm việc nhà hơn nam giới và khoảng cách biệt giữa thời gian mà đàn ông và phụ nữ dành cho việc nhà là khá lớn. Tính trung bình tại tất cả các nước được khảo sát, phụ nữ dành nhiều hơn đàn ông khoảng 2,5 giờ mỗi ngày cho những công việc không được trả lương này.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy đàn ông châu Á đặc biệt dành ít thời gian nhất cho việc nhà. Đàn ông Nam Triều Tiên đứng ở cuối bảng vì họ chỉ dành gần 50 phút mỗi ngày, trong khi phụ nữ Nam Triều Tiên dành 200 phút mỗi ngày, cho những công việc không được trả lương.

Tiếp theo sau đàn ông Nam Triều Tiên, những ông chồng Ấn Độ và Nhật Bản cũng chỉ dành khoảng một giờ đồng hồ để giúp vợ trong việc nhà, kế đó là đàn ông Trung Quốc.

Khảo sát cũng cho thấy đàn ông Thụy Điển và Đan Mạch dành nhiều thời gian nhất để làm việc nhà, gần 200 phút mỗi ngày, còn đàn ông Bồ Đào Nha và Italia lại dành ít thời gian làm việc nhà nhất trong số các nước châu Âu.

Đàn ông Mỹ dành khoảng 3 giờ mỗi ngày trong khi đàn ông Canada cũng dành hơn 2 giờ đồng hồ cho những công việc không được trả lương này, và điều đó cũng đúng với trường hợp của chị Hiền, một phụ nữ ở Hà Nội có chồng là người Canada. Chị Hiền cho biết trong gia đình chị công việc nhà được hai vợ chồng chia sẻ với nhau một cách bình đẳng:

“Ví dụ như em lau nhà thì anh ấy lau đồ, em nấu ăn thì anh ấy rửa bát, còn chuyện giặt giũ thì từ trước tới nay anh ấy vẫn làm hết.”

Khảo sát của OECD chỉ tập trung vào những nước thành viên của tổ chức này, vì vậy không có số liệu về đàn ông Việt Nam trong cuộc khảo sát này. Tuy nhiên, hồi năm 2008, Healthbrigde Canada và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát tương tự ở Việt Nam và một số nước châu Á.

Kết quả của khảo sát này cho thấy, phụ nữ Việt Nam thường dành từ 5,09 giờ đồng hồ tới 5,66 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm việc nhà, trong khi các ông chồng người Việt Nam chỉ dành khoảng 1,38 đến 2,04 giờ cho những công việc không được trả lương này.

Chị Hiền cho biết theo quan sát của chị ở Việt Nam, chồng của những phụ nữ thành đạt ở những thành phố lớn đã bắt đầu biết chia sẻ trong công việc gia đình với vợ:

“Có những người làm ở những vị trí như quản lý (manager), họ có thu nhập khá, thành ra chồng của họ cũng xác định là họ hy sinh bớt để cho vợ phát triển và họ giúp vợ nhiều lắm.”

Tuy nhiên, chị Hiền cho rằng điều này chỉ đúng với những cặp vợ chồng ở thành phố và những cặp vợ chồng có thu nhập khá:

“Những người có thu nhập thấp hơn thì chồng thường nghĩ là công việc nhà là của phụ nữ, nên chồng có vẻ ỷ việc cho vợ. Tuy nhiên, cũng phải tính đến một vấn đề nữa là sự khác nhau giữ thành phố và nông thôn. Đàn ông ở thành phố có xu hướng giúp vợ nhiều hơn, còn ở nông thôn thì đàn ông có xu hướng hoàn toàn coi những công việc đó là của vợ.”

Hồi năm 2010, tiến sĩ Wendy Sigle-Rushton của trường Kinh tế và Chính trị học London (London School of Economics and Political Science) đã có một cuộc nghiên cứu về mối liên hệ giữa tình trạng ly dị và những người đàn ông giúp vợ trong công việc nhà. Kết quả cho thấy tỷ lệ ly dị ở những gia đình mà chồng giúp vợ nhiều hơn trong việc nhà thấp hơn so với những gia đình mà ông chồng không chia sẻ và đỡ đần cho vợ.

Đồng tình với kết quả này, chị Vân, người đã trải qua một cuộc ly dị, cho rằng sự thiếu chia sẻ trong công việc nhà cũng là một phần gây nên sự đổ vỡ của gia đình chị. Chị chia sẻ:

“Khi công việc nhiều mà sự chia sẻ ít đi thì người vợ sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và không còn muốn quan tâm đến những việc khác nữa. Đồng thời, khi đã mệt mỏi thì mình nhìn lỗi lầm của người chồng sẽ nặng nề hơn và khó tha thứ hơn. Khi mình vừa đi làm, mình vừa phải đảm nhận công việc chăm con thì nó quá sức của mình và mình cảm thấy căng thẳng và sự chia sẻ về mặt thể xác lẫn tinh thần với chồng sẽ ít đi. Lúc đó, người chồng cũng cảm thấy vợ tỏ ra hờ hững và thiếu quan tâm tới mình và dần dần hai người càng xa nhau.”

Chị Hiền và chị Vân đều cho rằng việc đàn ông chia sẻ việc nhà với phụ nữ sẽ giúp gia đình gắn bó hơn và sẽ bớt nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình hơn.

Trong khi tác giả cuộc khảo sát của OECD, bà Veerle Miranda, còn cho rằng làm việc nhà cũng là một cách đóng góp cho nền kinh tế bởi nếu những công việc này được tính lương thì sẽ tương đương với 1/3 GDP trung bình của các nước thành viên của OECD.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG