Có những dấu hiệu đáng khích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lúc năm 2011 sắp sửa kết thúc. Giới tiêu thụ ở Mỹ chi tiêu nhiều hơn, thị trường nhà ở đang được cải thiện, và số người bị mất việc cũng giảm bớt.
Tuy nhiên vụ khủng hoảng nợ chưa được giải quyết ở Âu châu, tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và những kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho các nhà hoạch định chính sách trong năm 2012.
Tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, nợ quốc gia không ngừng gia tăng và sự thúc thủ của Quốc hội trước vấn đề này là những đề tài quan trọng được bàn tán nhiều trong năm 2011. Nhưng một số điểm sáng đã xuất hiện trong thời gian cuối năm, theo nhận định của ông George L.Perry, một nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao của Viện Brookings ở Washington.
“Một điểm sáng là khu vực xuất khẩu tăng trưởng rất tốt đẹp. Một lãnh vực khác là những hoạt động xây dựng ngoài phạm vi xây dựng nhà ở. Xây dựng thương nghiệp đang trỗi dậy và đặc biệt là hoạt động xây dựng của các tòa nhà cho thuê.”
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm, và lòng tin của giới tiêu thụ đang gia tăng. Nhưgn cũng có những đám mây đen trước mắt trong lúc năm mới sắp bắt đầu. Trung Quốc, nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang tăng trưởng chậm lại, và vụ khủng hoảng nợ Âu châu không có dấu hiệu giảm căng.
Ông Perry cho rằng sự suy thoái của Âu châu có thể làm cho nước Mỹ rơi vào suy thoái.
“Chúng ta xuất khẩu sang Âu châu rất nhiều. Nếu Âu châu rơi vào một cuộc suy thoái nữa, sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu của Mỹ sẽ chấm dứt. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm ở Mỹ và làm cho nước này đi tới chỗ suy thoái.”
Lạm phát gia tăng và đà tuộc giốc của ngành chế tạo ở Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm sút giảm nhu cầu của một số nông khoáng sản. Nhưng theo ông Perry, tình trạng này xuất phát một phần từ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn không cho kinh tế của họ lên cơn sốt.
Ông Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã thúc giục Âu châu và các đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này hãy hành động một cách có trách nhiệm khi ông đề cập tới tình trạng bất trắc của kinh tế toàn cầu.
“Âu châu phải cứu Âu châu, phải không? Đây là một việc rất quan trọng. Nếu được hỏi: Hoa Kỳ có thể làm gì và Trung Quốc có thể làm gì?, thì đây sẽ là thông điệp của tôi: việc tốt đẹp nhất mà họ có thể làm là chấn chỉnh tình hình trong nước, trở thành một nguồn tăng trưởng trong nước, và kế đến là trở thành một nguồn tin tưởng cho thị trường.”
Ông Zoelick cảm thấy phấn khởi bởi những biện pháp cải cách đang tiếp diễn ở Trung Quốc nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào xuất khẩu, nhưng ông cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ chớ nên trễ nãi thêm nữa trong việc giải quyết vấn đề nợ quốc gia, hiện đang tăng lên gần tới mức 15.000 ngàn tỉ đô la.
“Việc thứ hạng tín dụng thượng hảo hạng của Mỹ bị hạ thấp đã không ảnh hưởng tới tình hình tài chánh ngày hôm nay, nhưng đó có thể là một sự việc mà 10 năm sau này, khi hồi tưởng lại, người ta sẽ nói: Họ có được cảnh báo không? Họ có chú ý hay không? Hay là họ cứ tiếp tục làm những chuyện mà họ vẫn làm từ trước?”
Theo ông Zoellick và nhiều kinh tế gia hàng đầu, nếu các nhà lãnh đạo không sẵn sàng thực hiện những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để ổn định kinh tế toàn cầu, những vấn đề ở Âu châu, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hội tụ để trở thành một “cơn bão kinh hoàng” trong năm 2012, với ảnh hưởng không kém gì vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008.