Đức Cồ Đàm không phân biệt chủng tộc

Một nhóm người mang cờ có chữ Vạn tại Columbus, Ohio, hôm 16 tháng 11. (Hình: Screenshot từ CNN)

Ngày 9 tháng 11, một rạp hát địa phương ở Michigan cho trình diễn vở kịch “Nhật ký của Anne Frank,” chuyện cô gái Do Thái sống ở Hòa Lan thời bị Đức Quốc Xã (Nazi) chiếm đóng. Một nhóm người tới biểu tình bên ngoài; họ mang theo lá cờ của Nazi. Cuối tuần rồi, một nhóm khác đi diễn hành ở Columbus, thủ phủ tiểu bang Ohio, mặc đồ đen, tấm che mặt màu đỏ, cũng mang theo lá cờ vẽ “chữ vạn”. Thống đốc Ohio, Mike DeWine đã lên án các hành động kỳ thị này.

Chữ Vạn, hay “chữ Thập ngoặc,” - Swastika - là một dấu hiệu thường dùng trong các nơi thờ tự theo đạo Phật. Đức Quốc Xã đã sử dụng hình ảnh chữ Thập ngoặc; đặc biệt, trên đồng phục của quân đội và công an xung phong SS. Ngày nay, nó trở thành biểu tượng của các nhóm đề cao chủng tộc da trắng khắp thế giới. Đài CNN cho biết năm ngoái trong nước Mỹ đã có 282 cuộc tập họp tương tự, do những nhóm “Da trắng Thượng Đẳng” (White Supremacists) tổ chức.

Hình ảnh chữ Thập ngoặc thường được vẽ trên các pho tượng Phật mà Đức Phật thường tuyên dương tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Những hành động kỷ thị chủng tộc hoàn toàn trái ngược với Phật giáo. Những người tự đề cao một chủng tộc, bất cứ sắc dân nào, nên nghe lời Đức Thích Ca kể câu chuyện về chàng thanh niên Assalāyana trong Kinh Trung A Hàm (Majihima Nikaya). Chúng tôi tóm tắt theo bản dịch tiếng Anh của I.B. Horner, trong cuốn tuyển dịch Kinh Phật do Edward Conze chủ biên, in năm 1954.

Chuyện kể có 500 vị Bà La Môn (brahmins) tập họp ở Sāvatthī (chữ Sanskrit viết là Shravasti; theo chữ Hán là thành Xá Vệ, 舍衛), rủ nhau đến chất vấn vị khất sĩ Cồ Đàm (Gotama): Họ muốn biết tại sao ngài lại nói bốn đẳng cấp trong xã hội đều có thể được giải thoát như nhau. Các brahmins này nhờ một người tên là Assalāyana, mới 16 tuổi đã nổi tiếng thông tuệ giáo lý Vệ Đà, xin anh ta đến đặt câu hỏi Gotama.

Assalāyana từ chối, nói rằng không thể bác bỏ được Gotama. Khi mọi người năn nỉ đến lần thứ ba, chàng Brahmin trẻ tuổi mới chịu đi theo họ, dù không tin rằng mình sẽ đối đáp được với Cồ Đàm. Brahmins, dịch sang tiếng Trung Hoa là Bà La Môn, đọc theo lối Hán Việt, tức là đẳng cấp các tu sĩ trong Ấn Độ Giáo. Họ tự coi là đẳng cấp cao nhất trong xã hội, bên dưới là các chiến sĩ, các nhà cai trị; rồi tới nông dân, giới công thương. Dưới cùng còn đám dân “hạ tiện” không đáng được xếp hạng, dalits. Nhưng đẳng cấp Brahmins cũng mang tính chất chủng tộc, vì cha truyền con nối mang danh hiệu này. Họ thuộc một sắc dân từ phía Tây Bắc tới chinh phục Ấn Độ. Nguồn gốc Ba Tư và da trắng, họ tự gọi là người Aryan, vì xuất phát từ vùng Aryavarta. Người Iran mang tên này, cũng nói vì họ đến từ miền đất huyền thoại, Airyanem Vaejah. Đức Quốc Xã tuyên truyền rằng họ thuộc dòng giống Aryan thuần chủng, “đứng đầu” mọi sắc dân. Những nhóm “Da trắng Thượng Đẳng” tự coi là kế thừa huyết thống đó.

Đức Cồ Đàm không trực tiếp trả lời Assalāyana mà chỉ thuật lại lời Avita Devala, một vị tiên tri đời trước nói với bảy brahmins đến hỏi về vấn đề này. Ông nhắc lại, “Các brahmins tự coi là “đẳng cấp cao nhất; da trắng trong khi các đẳng cấp da đen hơn; chỉ các brahmins mới trong sạch; là con của Phạm Thiên (Ông Trời), do Phạm Thiên tạo ra.” Họ công nhận đúng vậy.

“Nhưng quý vị có biết chắc rằng mẹ của các brahmins chỉ gặp các người đàn ông brahmins, không bao giờ chung chạ với người thuộc những đẳng cấp khác hay không? Có biết những bà mẹ của những người mẹ đó, kể ngược lại bảy đời, chỉ gặp các người đàn ông brahmins, không bao giờ chung chạ với người thuộc những đẳng cấp khác hay không?”

“Thưa ngài, chúng tôi không biết.”

Có biết chắc rằng cha của các brahmins chỉ gặp các người đàn bà thuộc đẳng cấp brahmins, không bao giờ chung chạ với người thuộc những đẳng cấp khác hay không? Có biết cha của những người cha đó, kể ngược lại bảy đời, chỉ gặp các người đàn bà brahmins, không bao giờ chung chạ với đàn bà thuộc những đẳng cấp dưới hay không?”

“Thưa ngài, chúng tôi không biết.”

“Quý vị có biết bào thai thành hình thế nào chứ?”

“Thưa ngài, chúng tôi biết. Hai người cha và mẹ phải giao hợp; đúng vào thời kỳ người mẹ rụng trứng và một ‘gandharva’ có ở đó. Nếu đủ ba điều kiện đó thì người mẹ mang thai.” Danh từ “gandharva” – hay gandhabba – có thể hiểu là sinh lực (virile spirit). Trong kinh tạng Pali, đoạn này được hiểu là gandhabba đang sẵn sàng đầu thai, theo “nghiệp” của mình.

Nhà tiên tri Avita Devala hỏi tiếp bảy brahmins:

“Quý vị có biết chắc rằng sinh lực gandhabba đứng chờ đầu thai đó, kiếp trước đó không thuộc đẳng cấp chiến sĩ, công nhân, thương nhân, hay thuộc đẳng cấp thấp hơn nữa không?”

“Chúng tôi không biết.”

“Như vậy đó. Chúng ta không biết mình thuộc đẳng cấp nào.”

Đức Cồ Đàm chỉ nhắc lại câu trả lời của Avita Devala cho các vị brahmins; nhưng cho thấy chính ngài cũng đồng ý.

Nếu gửi đoạn kinh trên cho những người trong các nhóm quá khích kỳ thị chủng tộc đọc, không biết họ sẽ nghĩ gì. Chắc họ sẽ bác bỏ, quả quyết rằng ông bà, tổ tiên họ đều “tiết hạnh khả phong,” không bao giờ lai giống với một sắc dân khác. Nhưng họ có thể bác bỏ thuyết nói rằng cả loài người hiện nay là con cháu của một nhóm người di dân từ châu Phi, lên châu Âu, châu Á, và Australia từ 50 ngàn năm trước hay không? Có thể họ sẽ bác bỏ giả thuyết đó.

Nhưng những người còn tỉnh táo đều có thể tin rằng suốt lịch sử, loài người đã pha trộn các DNA từ nhiều chủng tộc. Không những thế, loài “người khôn ngoan” (homosapien) chúng ta có thể đã pha trộn giống với các chủng loại “giống như người” (hominin) nay đã tuyệt chủng, như Denisovans và Neanderthals, hai chủng loại đã tách biệt khoảng 300,000 tới 400,000 năm trước đây, theo các tài liệu khảo sát của Live Science.

Đức Phật Thích Ca bác bỏ chủ trương phân biệt chủng tộc; được coi là một người làm cách mạng trong xã hội thời đó. Nhưng tại sao các đẳng cấp được ưu đãi trong xứ Ấn Độ không kết án, đả phá, hoặc đàn áp những đệ tử của ngài hoặc các người theo Kỳ Na Giáo cũng chủ trương như Phật? Các giáo lý đạo hai truyền thống này vẫn được coi như các ngành của Ấn Độ Giáo, một truyền thống rất đa dạng và bao dung.

Ngay trong Ấn Độ giáo, cũng có những ý kiến bác bỏ phân biệt chủng tộc. Kinh Mahābhārata, của Ấn Độ Giáo viết: “Một người không thuộc đẳng cấp cao vì đã sinh trong gia đình nào, hay vì học tập mà thành, nhưng bởi chỉ do hạnh nghiệp của họ mà thôi.” (Mahābhārata 3.297.61). Các nhóm “Da trắng Thượng Đẳng” chắc cũng không chấp nhận điều này, thật đáng tiếc!