Hàng ngàn cảnh sát và người biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã tập trung trên các đường phố trên khắp nước Anh hôm 7/8 để thách thức các nhóm cực hữu dự kiến sẽ xuống đường nhưng cuối cùng đã không xuất hiện sau hơn một tuần diễn ra các vụ tấn công phân biệt chủng tộc bạo lực nhắm vào người Hồi giáo và di dân.
Nước Anh đã bị dính vào một loạt các cuộc bạo loạn nổ ra đầu tuần trước sau khi ba cô gái trẻ bị giết trong một vụ tấn công bằng dao ở Southport, tây bắc nước Anh, làm bùng phát làn sóng thông tin sai lệch trên mạng gọi nghi phạm là một di dân Hồi giáo.
Các bài đăng trên mạng cho biết những người biểu tình cực hữu, bài Hồi giáo sẽ nhắm vào một danh sách các trung tâm nhập cư, trung tâm hỗ trợ di dân và các công ty luật di trú vào ngày 7/8, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sớm và một số cửa hàng phải lấy ván bịt lại mặt tiền.
Những tin tức này dẫn đến việc triển khai hàng ngàn cảnh sát và đám đông người biểu tình tập hợp tại các thị trấn và thành phố bao gồm London, Bristol, Birmingham, Liverpool và Hastings, giương các biểu ngữ ghi ‘Chống phân biệt chủng tộc’, ‘Ngăn cực hữu’ và ‘Sẽ đổi bọn phân biệt chủng tộc lấy di dân’.
Nhóm biểu tình này có thành phần đa dạng gồm người Hồi giáo, các nhóm chống phân biệt chủng tộc và chống phát xít, công đoàn, các tổ chức cánh tả và người dân địa phương vốn kinh hoàng trước các cuộc bạo loạn đã xảy ra.
Đến 9 giờ tối, không có báo cáo gì về rối loạn nghiêm trọng. Cảnh sát cho biết khoảng 50 người ở Croydon, phía nam London, đã ném chai lọ và tìm cách gây rối.
Stetson Matthew, công nhân thu rác 64 tuổi, người đã hòa cùng hàng ngàn người biểu tình ở Walthamstow, đông bắc London, nói rằng mọi người có quyền phản đối nhưng việc nhắm vào các sắc dân thiểu số đã đặt đất nước vào tình trạng nguy hiểm.
“Ai cũng có quyền làm những gì họ cần làm nhưng điều họ phải làm là nói lên tiếng nói của mình một cách hòa bình, thân thiện, không có căng thẳng hay bạo lực,” ông nói.
Bạo loạn nổ ra vào tuần trước khi các nhóm vài trăm người bao gồm chủ yếu là nam giới đã đụng độ với cảnh sát và đập vỡ cửa sổ các khách sạn chứa những người xin tị nạn từ châu Phi, châu Á và Trung Đông, hô vang ‘đuổi họ đi’ và ‘chặn thuyền’ – ám chỉ những người đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ mà không được phép.
Họ cũng đã ném đá vào các thánh đường Hồi giáo, khiến các tổ chức Hồi giáo đưa ra lời khuyên an toàn cho cộng đồng.
Thủ tướng Keir Starmer đang đối mặt với khủng hoảng đầu tiên kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4/7. Ông đã cảnh báo những kẻ bạo loạn rằng họ sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn trong khi ông tìm cách dập tắt bạo loạn tồi tệ nhất ở Anh trong 13 năm.
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn