Doanh nghiệp dệt may Việt Nam kêu cứu thủ tướng trước nguy cơ phá sản

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Dệt may Thành Công ở TPHCM vào thời điểm đầu đại dịch, tháng 7/2019.

7 doanh nghiệp ở Tiền Giang thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa gửi thư lên Thủ tướng đề nghị hỗ trợ và ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân để có thể quay trở lại hoạt động, giữa bối cảnh hầu hết các khách hàng đã huỷ đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

VnExpress dẫn đơn kêu cứu của các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị được quan tâm và “có giải pháp cứu giúp doanh nghiệp”.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì hầu hết các khách hàng đã thông báo huỷ đơn hàng, phạt xuất hàng bằng máy bay (thay vì bằng đường biển) với những hợp đồng đã ký. Đơn hàng dệt may bán theo mùa, đối tác không thể tiếp tục chờ đợi chúng tôi trong vô vọng”, VnExpress dẫn lời đại diện các doanh nghiệp cho biết.

7 doanh nghiệp, với tổng số trên 13.300 công nhân, bao gồm: Công ty cổ phần May Tiền Tiến, Công ty cổ phần Tex- Giang, Công ty cổ phần May Phương Đông, Công ty cổ phần May Việt Tân, Công ty cổ phần May Việt Khánh, Công ty cổ phần Việt Long Hưng, Công ty cổ phần May Công Tiến.

Các doanh nghiệp yêu cầu chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân với tổng cộng 26.600 liều (2 liều/người), để sớm đạt miễn dịch cộng đồng và phục hồi sản xuất.

Thư kêu cứu của các doanh nghiệp dệt may ở Tiền Giang được gửi đi giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất từ giữa tháng 7. Chỉ một số ít doanh nghiệp cố gắng đáp ứng quy định về mô hình “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) để duy trì sản xuất nhưng cũng chỉ kéo dài được đến ngày 5/8.

Tiền Giang đang là 1 trong 5 tỉnh thành có số ca mắc cao nhất cả nước. Tính đến ngày 9/9/2021, Tiền Giang có 11.882 ca nhiễm và đã có 288 ca tử vong.

Hôm 13/9, hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang đã bị Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình về công tác chống dịch kém hiệu quả, để cho tình trạng “từ chỗ xanh rờn giờ thành ra đỏ quạch”. Ông ra hạn cho hai tỉnh này đến ngày 30/9 phải kiểm soát được dịch.

Hiện các doanh nghiệp ở Tiền Giang vẫn chưa biết khi nào sẽ được mở cửa hoạt động trở lại, trong khi các đối tác không thể chờ đợi lâu hơn.

“Họ đã thông báo cho chúng tôi là nếu đến 20/9/2021, công ty không mở cửa trở lại thì họ đành phải chuyển đơn hàng sang thị trường khác. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ mất luôn khách hàng, không còn đơn hàng để sản xuất cho mùa cuối năm 2021 và năm 2022”, VietQ.vn dẫn lời lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may cho biết.

Ngành dệt may, da giày bị đình trệ sản xuất do dịch bệnh đã gây tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo HSBC, hai ngành này là nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu của Việt Nam trong tháng qua giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.