Không cứ phải vạch lá tìm sâu, những bất cập trong khu vực doanh nghiệp FDI (DNFDI) có khuynh hướng phát triển thành “khủng” sâu, muốn không nhìn nhưng vẫn phải thấy. Đó là: làm lời khai lỗ, tạo việc làm, nâng cấp công nghệ và sang nhượng dự án.
Làm lời khai lỗ
Điều bất thường trong hoạt động của nhiều (nhưng không phải tất cả) DNFDI ở VN là họ hạch toán lỗ dài dài, kê khai đầu vào nhập khẩu thiết bị và nguyên liệu giá cao, đầu ra xuất khẩu thành phẩm với giá rẻ qua hình thức chuyển giá (transfer price) để chuyển lợi nhuận về công ty mẹ [i], tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 25%. Lấy thí dụ, một đôi giày xuất khẩu có giá trên hóa đơn 10-15 USD thì không thể có lãi để nộp thuế cho nước sở tại. Sau khi đôi giày này đến nước thứ 3, họ đổi hóa đơn để xuất khẩu đúng giá trị. Như thế, lợi nhuận hoàn toàn chuyển ra bên ngoài, VN không thu được thuế, chỉ có người lao động được trả lương nhưng cũng là mức lương phải chật vật mới đủ sống.
Chuyện các DNFDI chuyển giá đã được nhiều chuyên gia nói đến gần đây. Theo Cục Thuế Tp.HCM, 60% DNFDI hoạt động trên địa bàn này báo lỗ trong năm 2009, 50% năm 2008 và 70% năm 2007. Tuy thế, rất nhiều doanh nghiệp trong số này lại tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Lời thật, lỗ giả là vấn đề: đóng góp của DNFDI vào ngân sách nhà nước có thể tăng nhiều nếu Việt Nam kiện toàn hệ thống hạch toán doanh nghiệp.
Ngoài ra, để thu hút FDI, nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế khác nhằm kích thích xuất khẩu. Nhưng khi đã thi công, không ít những DNFDI “mè nheo”, đòi thêm những đặc lợi, trong đó có chuyện xin vay vốn Việt Nam đã đề cập. Thất thu ngân sách với FDI không nhỏ, chính là vì đội ngũ chuyên gia hạch toán kinh doanh thiếu khả năng. Về hạch toán giá chuyển, chúng ta có hạch toán thiết lập bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), là hạch toán dùng trong khá nhiều nước đang phát triển, xin tham khảo http://www.oecd.org/document/25/0,3343,en_2649_33753_37837401_1_1_1_1,00.html
Tạo việc làm trong thị trường lao động
Xét trên góc độ giải quyết việc làm, suốt hàng chục năm qua hơn 10.000 DNFDI chỉ sử dụng 1,7 triệu lao động, tính ra mỗi năm tuyển dụng khoảng 80.000 lao động, khoảng 10% so với nhu cầu giải quyết việc làm hàng năm đòi hỏi từ 1,3-1,5 triệu lao động của VN. Nói chung, đóng góp của những DNFDI là 11.5% lực lượng lao động sử dụng trong mọi doanh nghiệp năm 2000, tăng đều đặn lên tới gần 23% năm 2007. Đây là một đóng góp đáng kể, nhưng phải lưu ý, nhiều trường hợp ưu ái quá mức đối với DN 100% vốn FDI lại thui chột cơ hội kết nối DN Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu, điều mà Malaysia, Thái Lan đã làm được.
Phân phối FDI theo xuất xứ và vấn đề nâng cấp công nghệ
Trước khi tiếp tục trình bày thêm một số vấn đề cần động não, xin mổ xẻ nguồn FDI và phân bố theo ngành và khu vực sản xuất trong kinh tế Việt Nam:
Biểu đồ 2: Hai mươi chủ đầu tư FDI lớn nhất từ 1998 đến 2007
http://www.vietpartners.com/Statistic-FDI.htm
Tỷ trọng vốn thực hiện FDI của Nam Triều Tiên, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và HongKong rất lớn, sau đến Hà Lan trong thập niên 1998-2007. Sang năm 2008 là năm đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ trọng vốn đăng ký FDI những nước Asean tăng, trong khi Trung Quốc vẫn giữ FDI ở mức rất thấp (hạng 15), Âu châu và USA có khuynh hướng giảm mức đầu tư trực tiếp. Trừ Hà Lan, sự tham gia vào DNFDI của Châu Âu và Mỹ cho đến nay khá thấp. Đa phần những DNFDI xuất phát từ Á châu.
Những DNFDI, đến từ Châu Á, tập trung khoảng 45% trong công nghệ thường là thuộc loại lắp ráp (linh kiện điện tử, may mặc, giày…) mà phần nhập nguyên liệu rất lớn, sử dụng lao động giá rẻ (nay ở Việt Nam trong khoảng 80-90 USD/tháng cho một công nhân, tức 1/3 lương công nhân TQ) để sinh lợi. Vì thế, cho đến nay, mục tiêu nâng cấp công nghiệp, đào tạo lao động có tay nghề và học hỏi kỹ thuật quản trị trong chính sách đầu tư nước ngoài ở Việt Nam coi như chưa thực hiện được bao nhiêu. Phải nói, lao động giá rẻ sẽ không là một yếu tố độc nhất hấp dẫn FDI trong tương lai. Hiện nay, lao động không tay nghề ở Bangladesh chỉ khoảng 50-60 USD/ tháng cho một công nhân. Lao động Campuchia, Lào và Miến Điện cũng là những nơi sẽ cạnh tranh với lao động Việt Nam. Yếu tố thu hút FDI, thêm vào yếu tố lao động rẻ, là sự phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, viễn thông, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ và nhất là một hệ thống quản lý bớt quan liêu, tham nhũng.
Sang nhượng dự án FDI?
Tiến độ giải ngân vốn FDI chậm trễ; chủ đầu tư nhiều siêu dự án phải gọi thêm vốn bằng cách liên doanh với các DN khác, thậm chí khi chỉ có vốn ảo tìm mối để sang nhượng toàn bộ dự án. Trình dự án để giành chỗ, sau khi được giấy phép thì chủ đầu tư sang nhượng lại lấy lời, là hoạt đồng đầu cơ, đi ngược chủ trương thu hút FDI để thúc đẩy sản xuất. Để khắc phục, nhà nước cần có những định chế giới hạn (thậm chí phạt, hay cấm hẳn) việc sang nhượng, và có hệ thống giám sát FDI một cách minh bạch
Ở đây sự phân quyền thu hút FDI cho những chính quyền địa phương tạo ra một hình thức cạnh tranh thành tích, đưa đến những hỗn loạn trong cơ cấu đầu tư của cả quốc gia. Chuyển hướng tư duy thu hút FDI trước hết phải xem lại sự phân cấp cho địa phương, không để xảy ra tình trạng thu hút vốn FDI bằng mọi giá gây ra các hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và kinh tế. Theo GS Nguyễn Mại, hiện có đến 75% DN 100% vốn FDI không thể xem là có qui củ bình thường. Tỉ lệ DNFDI Châu Á vẫn chiếm nhiều hơn trong khi chưa nhiều các tập đoàn lớn đến từ Âu-Mỹ tạo ra sự thiếu cân bằng, tác động đến sự chuyển giao công nghệ không toàn diện[ii].
[i] Vấn đề chuyển giá thể hiện rõ ở các DN sản xuất ô tô. Một số liệu để minh chứng cho khả năng này, thống kê của Cục Thuế TPHCM cho thấy năm 2009, 60% DN FDI báo cáo lỗ. Có thể dựa vào lý do đây là thời điểm suy thoái kinh tế nhưng trước đó, trong các năm 2007 và 2008, các DN FDI vẫn báo cáo lỗ lần lượt là 70% và 61,3%. Tham khảo thêm http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&chitiet=15773&Style=1
[ii] http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Chuyen-huong-tu-duy-thu-hut-FDI/12993)
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.