Một trong các nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa tôi còn nhớ là triết gia, nhà toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei. Ông được cho là đã tuyên bố ‘eppur si muove’ – được dịch thành ‘nhưng dù sao trái đất vẫn quay’ – khi bị Toà án Nhà thờ buộc tội theo tà giáo hồi năm 1632 vì khăng khăng rằng trái đất quay quanh mặt trời. Vài trăm năm sau Giáo hội đã hơn một lần xin lỗi vì đã cư xử sai trái và bất công với người sáng chế ra kính viễn vọng và cũng là người đầu tiên quan sát thấy các hành tinh chuyển động quanh mặt trời.
Việc nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt mới đây với cáo buộc “chống nhà nước” cũng chẳng khác gì chuyện mấy trăm năm trước Galileo Galilei khốn khổ vì nói ra sự thật qua các cuốn sách mà ông xuất bản. Tôi đã mua cuốn ‘Chính trị bình dân’ của Đoan Trang cách đây vài năm sau một lần cô bị công an hành hung, chẳng phải để trang bị kiến thức cho bản thân vì tôi sống ở Anh đã 20 năm nên những gì cô viết về lý thuyết tôi đều đã được trải nghiệm. Lý do tôi mua sách chỉ là để ủng hộ cho sự can đảm dám nói sự thật mà thường “còn đang xỏ giày” khi những lời nói dối của nhà nước đang chạy tung tăng trên hàng trăm báo đài do chính họ quản lý.
Như chính Đoan Trang nói trong lời nói đầu của ‘Chính trị bình dân’, cô chỉ mới “tham gia sâu vào phong trào đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam” hồi năm 2011. Nhưng những cuốn sách, bài viết và nhất là ‘Báo cáo Đồng Tâm’ mà ấn bản thứ ba vừa được công bố cuối tháng Chín, của Đoan Trang đã khiến các chính trị gia chóp bu cảm thấy bị đe doạ.
Vài ngày trước khi bị bắt, Đoan Trang bình luận với Đài Á châu Tự do về vụ Đồng Tâm:
“[T]ác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi.
“Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa…Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.
“Với những người không phải là dân làng Đồng Tâm, dân chúng trong cộng đồng và toàn xã hội nói chung thì rõ ràng vụ án này cũng đã gây ra một nỗi khiếp sợ, ngay cả giới hoạt động nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ cũng sợ. Bởi vì không ai có thể tưởng tượng được một nhà nước giết dân…
“Nhưng tôi nghĩ rằng sau vụ này thì lòng tin của một bộ phận khá đông dân chúng vào Đảng cầm quyền và vào luật pháp của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bởi vì, người dân thấy rằng bao giờ kẻ mạnh cũng thắng và chính quyền luôn thắng.”
Điều Đoan Trang đang kêu gọi khi bị bắt là tội ác của chính quyền ở Đồng Tâm phải được điều tra và phải bị trừng phạt. Đây là điều chính quyền lo sợ và việc bắt Đoan Trang là biểu hiện của nỗi sợ này. Cũng như bất kỳ chính quyền nào trên thế giới, Hà Nội sợ nhất là những chỉ trích từ những trí thức hiểu biết và có uy tín. Như một gã quan võ biền, giới cầm quyền ở Việt Nam lại dùng tay chân để đấu lý khi đang ở thế thua. Nhưng càng dựa vào sức mạnh cơ bắp, tính chính danh của chính quyền càng giảm sút. Trong nỗ lực để kéo dài tuổi thọ chính trị, các quan lớn của Việt Nam thực ra cũng lại đang góp phần làm cho điều ngược lại có thêm khả năng xảy ra.