Đường dẫn truy cập

Bắt Đoan Trang trở thành hỗ trợ tuyên truyền chống nhà nước


Cô Phạm Đoan Trang.
Cô Phạm Đoan Trang.

Trân Văn


Phản ứng của chính phủ một số quốc gia (1), các tổ chức bảo vệ nhân quyền (2), hệ thống truyền thông quốc tế (3) và nhận định của rất nhiều người Việt trên mạng xã hội, đặc biệt là những người Việt trước nay vốn cẩn ngôn khi lên tiếng về các sự kiện chính trị nhạy cảm tại Việt Nam cho thấy, việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang hôm 6 tháng 10 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” chính là một trong những cách hỗ trợ hữu hiệu nhất cho hoạt động tuyên truyền chống nhà nước…

***

Việc tống giam Phạm Đoan Trang đã giúp Nếu tôi có đi tù (4)- tự sự của Trang cách nay một năm về hiện trạng Việt Nam nhưng chưa công bố - giờ được phổ biến rộng rãi cả trong lẫn ngoài Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ. Vì sao Bộ Công an Việt Nam lại tình nguyện làm… vũ công… minh họa cho Nếu tôi có đi tù… trở nên dễ hiểu, dễ cảm, để Nếu tôi có đi tù… đạt được sự đồng cảm nơi thiên hạ cao đến như vậy? Đó là ngăn chặn hay hỗ trợ tuyên truyền chống chế độ?

Cứ nhìn vào phản ứng của cộng đồng quốc tế trong vài ngày vừa qua, ai cũng có thể thấy, sắp tới, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ hết sức khốn khổ trong việc phân bua, thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng: Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện cam kết thăng tiến nhân quyền để làm bạn với phần còn lại của thế giới! Trước nay, trong tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, có tổ chức thù địch – phản động nào đủ sức biến Bộ Ngoại giao trở thành trơ trẽn, khả ố trong mắt thiên hạ, hiệu quả như… Bộ Công an?

Đó là đối ngoại, còn trong đối nội, dường như công sức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dồn vào việc gìn giữ “ổn định chính trị”, thông qua cả… tuyên truyền lẫn… răn đe, giáo dục đã thành… công dã tràng! Tống giam Phạm Đoan Trang không chỉ gây bất bình, phẫn nộ như đã từng thấy qua những lần tống giam các nhân vật bất đồng chính kiến, tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam mà còn khiến số người tự vấn như Thận Nhiên rõ ràng ngày một đông hơn:

Trang, thì không!

Tôi thấy lý do chúng ta không lên tiếng trước những điều tệ hại đang xảy ra trên đất nước là do chúng ta nghĩ như dưới đây. Trang, thì không.

- Dù có lên tiếng cũng không thay đổi được gì.

- Sẽ ảnh hưởng đến những gì mình đang có.

- Hãy để những đứa khác nói thay mình và chịu trách nhiệm, bất trắc thay mình, mình sẽ nói khi thuận lợi và an toàn, như vậy mới khôn ngoan;

- Phải hành động một cách hiệu quả, phản biện không thì không hiệu quả, phải nhẫn nhục chờ thời cơ;

- Mình không hạ mình “chửi” như đám đông ngoài kia. Có cái ranh giới mong manh, không rõ ràng, giữa “chửi” và “phản biện”, mà chửi là hành vi hạ cấp, vì thế để chắc ăn không bị đánh đồng với đám đông thì mình im lặng; im lặng như một hành vi thanh cao, xuất xử của kẻ sĩ.

- Thiên hạ chửi đảng vì họ có nỗi hận thù của bên thua cuộc, mình không thế.

- Sẽ tác động bằng cách khôn ngoan, uyển chuyển, và hiệu quả để đảng thay đổi, phản biện không phải là phương cách hiệu quả.

- Phản biện chỉ gây thêm hoang mang, chia rẽ, phân hóa và hậu quả là làm cho chính quyền suy yếu trước Trung Quốc và không thể chống cự được sự xâm lấn của nó.

- Trong đảng cũng có những thành phần cấp tiến, yêu nước, nên ủng hộ họ, để họ làm việc và thay đổi tình trạng hiện có, vì thế hãy im lặng.

- Mình chỉ là một hạt cát trong đám đông, trong bầy cừu im lặng, số phận cá nhân mình là một con số nhỏ bé, và bất lực, trong số phận bất hạnh của toàn dân tộc, vì thế hãy để nó trôi chảy theo mà đừng cưỡng lại.

- Tệ như vầy là do PHẦN SỐ của dân tộc, của đất nước, do Ý TRỜI định rồi, không thể thay đổi, có nói cũng hoài công;

- Không có thế lực, lực lượng nào có thể thay thế đảng trong lúc này để giữ nước, vì thế không có lựa chọn nào khác, phải đứng cùng bên với đảng để xoay xở vận nước.

- Người Việt chưa có đủ tầm, dân trí còn thấp, ý thức dân chủ chưa có, nên chỉ thích nghe chửi để thỏa mãn cảm tính, vì thế phản biện chẳng ai nghe.

- Trong tình trạng của một đất nước bị tha hoá toàn diện, ai cũng là kẻ khả nghi, thì kẻ phản biện có thể bị nghi ngờ cũng là “cò mồi của đảng”.

- Đối phó với cơm áo hằng ngày cũng đủ suy cạn hết sinh lực, lòng nhiệt thành, và thời gian rồi.

- Chính trị là chốn lọc lừa, bẩn thỉu, và nguy hiểm, không nằm trong khả năng, sở trường của mình; thôi, mình không giây với nó làm gì.

- Làm từ thiện, giúp đỡ hàng xóm, phường xã, quét đường, giữ vệ sinh an toàn khu phố, nuôi dạy con ngoan… tóm lại là hãy làm nhưng việc thiết thực dù nhỏ, cũng đủ cho mình không có mặc cảm là vô cảm trước xã hội và ngủ ngon hàng đêm là tốt rồi, vậy là yêu nước rồi.

Tóm lại, chúng ta khôn ngoan, thức thời quá. Trang thì không (5)!

Trong đám đông trước nay vẫn trầm lặng, cẩn trọng khi đánh giá, nhận định về những sự kiện, vấn đề chính trị nhạy cảm, giờ đột nhiên thấy cần nói gì đó một cách rõ ràng như bà Nguyễn Hoàng Ánh – một trong những giáo viên của Phạm Đoan Trang tại Đại học Ngoại thương: Nghe tin em bị bắt, tôi cũng như mọi người đều không bất ngờ vì Trang đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể không lo lắng, không đau lòng cho em. Đọc lá thư em để lại, không hề yêu cầu điều gì cho bản thân mà chỉ mong việc em bị bắt giam sẽ trở thành điểm nhấn quảng bá cho luật bầu cử mới và những tác phẩm của em, tôi càng thêm khâm phục em. Tôi chỉ muốn gửi lời chúc bình an đến em và mong rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm thay đổi, để những người trẻ tài năng và nhiệt huyết như Trang có thể được bình an đóng góp cho xã hội chứ không buộc phải đứng về phía đối đầu như bây giờ!Mong một ngày không xa có thể cùng Trang cất cao tiếng hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên dải đất Việt Nam này (6).

Hoặc thảng thốt, trăn trở như Lê Đình Thắng: Một ông già bị bắn chết tươi vì giữ đất. Một dòng họ có thể tuyệt tự, cũng vì miếng đất. Một người mẹ, hai đứa con lao lý, cũng vì đất. Cô gái hôm qua ôm đàn, hôm nay đã lọt thỏm sau chấn song sắt nhà tù, vì bầu trời xanh. Không vì đất, thì vì trời! Lẽ nào chúng ta cứ mãi buồn cái buồn vàng mã trang kim (7)? Hay ngậm ngùi nhưng lạc quan như Thuận Vương Trần: Người mẹ già ngồi hát cùng con gái (8). Giọng bà yếu ớt, nhỏ nhắn nhưng niềm hạnh phúc, có lẽ, mạnh mẽ và mênh mang. Má tôi cũng hay lẩm nhẩm mấy câu nhạc tiền chiến như thế khi ngồi cùng con cái, bà mẹ nào chẳng vui như thế! Bà mẹ hoài nhớ “Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/Có những cánh đồng cát dài...”. Bà mẹ vui nỗi “Hiu hắt tiếng bà mẹ cười/Vui vì nồi cơm ngô đầy...”. Bà mẹ mơ giấc mơ con gái “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi/Mơ thấy bên lề cuộc đời/Áo dài đùa trong nắng cười...”. Bà mẹ mà cô con gái nhắn gửi gìn giữ giùm, bà hát “Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em...”. Vườn dâu vẫn sẽ còn chờ (9).

Tương tự, Lê Đức Dục cũng không hề nhắc tới Phạm Đoan Trang song ai đọc cũng có thể biết tâm sự đó là cho ai và vì sao: Một ông anh vừa biên tút, câu chốt đại ý rằng: Rồi đây lịch sử sẽ QUÊN các ông to , ông rất to, ông rất rất to, cực rất to rất… nhưng sẽ NHỚ về cô gái này...” (10). Mình thì nghĩ khác, chắc chắn người đời sẽ không quên các ông to, rất to và to to rất đâu! Người đời sẽ nhớ họ, rất nhớ, nhớ to rất… Chỉ có điều sẽ nhớ với một thái độ khác, rất khác, rất khác rất rất nhể (11)?

***

Không thể kể hết thiện cảm, sự ngưỡng mộ mà rất nhiều người dành cho Phạm Đoan Trang cũng như những nhận định, bình phẩm về việc tống giam Phạm Đoan Trang vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, việc tống giam một người như Phạm Đoan Trang đã góp phần thức tỉnh nhiều người, thúc đẩy họ nói gì đó, thậm chí muốn làm gì đó. Không phải tự nhiên mà Bộ Công an bị đẩy vào tình thế trớ trêu: Nỗ lực ngăn chặn “tuyên truyền chống nhà nước” trở thành hỗ trợ “tuyên truyền chống nhà nước”. Tất nhiên đó không phải hữu ý, cũng không phải do vô tình. Kết quả ngoài ý muốn ấy đơn thuần chỉ vì bản chất… dơ dáy dễ dầu gì giấu diếm. Thế thôi!

Chú thích

(1) https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-viec-bat-giam-pham-doan-trang-tu-do-ngon-luan/5613472.html

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/continual-denunciation-of-the-arrest-of-activist-pham-doan-trang-10082020074329.html

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54459310

(4) https://baotiengdan.com/2020/10/07/neu-toi-co-di-tu/

(5) https://www.facebook.com/nhan.ton.50/posts/4482594551812040

(6) https://thenewviet.com/doan-trang-trong-mat-toi.html

(7) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/3948867681795973

(8) https://www.youtube.com/watch?v=y4c_nmJ-5s0&fbclid=IwAR1UipjRGy0gH76wz-xtUh5llK0QyAtNF8aoGZb-0i3UZfhK-8WPxmE_guY&ab_channel=PhamDoanTrang

(9) https://www.facebook.com/thuan.tranvuong/posts/10157633844586439

(10) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3254734271228398

(11) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10216692689166745

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG