Hôm 15 và 16 tháng 5, một phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gặp gỡ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), và các đại biểu Quốc hội để bàn về các vấn đề tự do tôn giáo trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ sắp tới.
Ngoài ra, phái đoàn còn có cuộc gặp với Bàn tròn Đa Tôn giáo Hoa Kỳ (IRFR), và Đoàn Nghị sĩ Quốc tế về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin (IPPFORB).
Phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam gồm có đại diện Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Khối Nhơn sanh Đạo Cao Đài, Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, Hội Thánh Tin Lành Người H’mong, đại diện Hiệp Hội Giáo dân Cồn Dầu, và đại diện Chiến dịch Cứu Đông Yên.
Mục đích của các buổi họp này nhằm nêu vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam trước cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam và cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5.
Ông Rong Nay thuộc Hội Nhân quyền Montagnard, đại diện cho các Hội Thánh Tin Lành Người H’mong nói về mục đích của cuộc gặp này:
“Tôi nghĩ có phái đoàn ngày hôm nay là vì sắp tới Hoa Kỳ sẽ thảo luận với chính phủ Việt Nam về vấn đề tôn giáo, và điều thứ hai là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới thăm Hoa Kỳ; mục đích của phái đoàn là đề bạt ý kiến đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt – CPC, và Hoa Kỳ, khi thưc hiện chính sách ngoại giao, thương mại với Việt Nam, nên đưa ra điều kiện tối thiểu về nhân quyền và tự do tôn giáo.”
Mục đích của phái đoàn là đề bạt ý kiến đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt – CPC, và Hoa Kỳ, khi thưc hiện chính sách ngoại giao, thương mại với Việt Nam, nên đưa ra điều kiện tối thiểu về nhân quyền và tự do tôn giáo.Ông Rong Nay, Hội Nhân quyền Montagnard
Ông Dương Xuân Lương, đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, người vừa đến Hoa Kỳ vào tháng 3, sau thời gian lánh nạn ở Thái Lan vì bị chính quyền Việt Nam truy nã, cho VOA Việt ngữ biết về nội dung cuộc gặp này như sau:
“Phái đoàn đa tôn giáo đã đến gặp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, nội dung là trình bày những vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo cũng như nhân quyền.”
Ông Lương cho biết rằng giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ “lắng nghe rất cầu thị”:
“Bộ Ngoại giao đã lắng nghe sự trình bày với sự cầu thị. Bộ Ngoại giao xác nhận quan điểm rằng các tôn giáo được tự do hoạt động mà không cần phải đăng ký với nhà nước. Phái đoàn đề nghị Bộ Ngoại giao đưa các vi phạm vào cuộc Đối thoại Nhân quyền vào ngày 23/5 sắp tới. Bộ Ngoại giao đón nhận và nói rằng sẽ đưa các vấn đề này ra để nói chuyện với chính quyền Hà Nội trong kỳ Đối thoại Nhân quyền năm nay.”
Phái đoàn đề nghị Bộ Ngoại giao đưa các vi phạm vào cuộc Đối thoại Nhân quyền vào ngày 23/5 sắp tới. Bộ Ngoại giao đón nhận và nói rằng sẽ đưa các vấn đề này ra để nói chuyện với chính quyền Hà Nội trong kỳ Đối thoại Nhân quyền năm nay.Ông Dương Xuân Lương
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để xác nhận ngày sẽ diễn ra Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam là ngày 23/5, cũng như nội dung nào sẽ được đề cập trong lần đối thoại thứ 21 này. Ông Cory Andrews, phát ngôn viên, Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trả lời qua email nói rằng “sẽ sớm đưa ra thông cáo chi tiết” về cuộc đối thoại này.
Theo ông Dương Xuân Lương, phái đoàn đa tôn giáo hôm 15/5 đã gặp ông Daniel Nadel, Giám đốc Văn phòng phụ trách Tự do tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hai viên chức ngoại giao Mỹ là bà Victoria Thoman và ông Daniel Wright.
Dịp này, ông Lương cũng trình bày các trường hợp chính quyền Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo đối với nhóm Cao Đài không được nhà nước công nhận, mà mới nhất là vụ chiếm một Thánh thất ở tỉnh Đồng Tháp:
“Đạo Cao Đài do nhà nước lập ra 1997, còn được gọi là Cao Đài quốc doanh, đã đánh phá, chiếm Thánh thất của Đạo Cao Đài 1926. Tôi đã cập nhật trường hợp mới nhất: Thánh thất Phú Thành A, ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vừa bị đánh chiếm vào ngày 21/3/2017. Trong việc đánh chiếm này có sự chuẩn bị của nhà nước rất rõ ràng bằng một công văn tối mật do đại tá Dương Hữu Nghĩa, trưởng Công an huyện Tam Nông đã ký.”
Phái đoàn cũng đã gặp Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) trong ngày 15/5 và gặp các dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 16/5.
Anh Nguyễn Văn Thống, thanh niên Công Giáo Vinh và hoạt động với Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà trước đây, đại diện Chiến dịch cứu Đông Yên, đã lên tiếng với các giới chức Hoa Kỳ về nhiều trường hợp vi phạm tự do tôn giáo khác nhau, trong đó có vụ Formosa, linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo phận Vinh:
“Có trình bày với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ về trường hợp thảm họa môi trường, cũng như việc hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang phải đối mặt với những khó khăn của nhà cầm quyền như việc đấu tố, phỉ bang, cũng như nhà cầm quyền dùng các phương tiện truyền thông đấu tố, đòi bỏ tù cha Đặng Hữu Nam. Chúng tôi cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị Đại sứ quán tại Hà Nội gặp gỡ hai linh mục, cũng như lắng nghe nguyện vọng của người dân trong vấn đề giải quyết thảm họa môi trường do Formosa gây ra.”
Chúng tôi cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị Đại sứ quán tại Hà Nội gặp gỡ hai linh mục, cũng như lắng nghe nguyện vọng của người dân trong vấn đề giải quyết thảm họa môi trường do Formosa gây ra.Anh Nguyễn Văn Thống
Ngoài ra, anh Thống còn nêu trường hợp giáo xứ Đông Yên ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh:
“Có nêu trường hợp giáo xứ Đông Yên đang bị bách hại bởi nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh, muốn di dời một giáo xứ có gần 100 năm lịch sử lên vùng miền núi, mặc dù người dân giáo xứ Đông Yên có nghề truyền thống là nghề làm biển lâu đời nay.”
Trong diễn biến liên quan, tuần trước, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ ra thông cáo gửi cho Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ, đề nghị cứu xét việc tái xếp loại Việt Nam vào CPC vì những vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng gần đây như vụ tín đồ Hòa Hảo Vương Văn Thả “bị cô lập, ném đá” ở tỉnh An Giang, hay tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị nghi “bức tử” ở tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 15/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra thông cáo rằng cư sĩ Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện hóa Đạo, đã bắt đầu tuyệt thực tại Huế để phản đối việc chính quyền áp đặt việc quản chế tùy tiện, không cho ông vào Sài Gòn chăm sóc sức khỏe cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, người cũng được cho là đang bị quản chế.
Hội đồng Liên tôn khuyến nghị rằng chính phủ Hoa Kỳ nên “áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ và hữu hiệu về kinh tế và viện trợ trước những vi phạm về quyền tự do tôn giáo của người dân.”
Phái đoàn đa tôn giáo cũng gặp dân biểu Chris Smith ngày 16/5. Anh Thống cho biết thêm:
“Phái đoàn đa tôn giáo gặp gỡ một số dân biểu trong Quốc hội Hoa Kỳ như dân biểu Chris Smith, đề nghị chính quyền Hoa Kỳ làm những gì có thể để Việt Nam tôn trọng nhân quyền, cũng như tự do tôn giáo, áp dụng ngay Luật chế tài Magnistky toàn cầu đối với những trường hợp vi phạm tôn giáo, cũng như vi phạm nhân quyền.”
Trước đó, vào Nhân quyền Việt Nam 11/5, dân biểu Chris Smith, đại diện bang New Jersey, ra tuyên bố nói rằng Hoa Kỳ nên "ra điều kiện" là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng, và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại hoặc bán vũ khí cho Việt Nam.
Ông Smith cũng hối thúc Tổng thống Trump yêu cầu Việt Nam phóng thích các tù nhân lương tâm và "đảm bảo chính phủ Việt Nam hiểu rằng những cải tiến lớn về nhân quyền là cần thiết cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia", khi ông gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.