Đường dẫn truy cập

USCIRF: ‘Tự do tôn giáo phải được tôn trọng trên khắp Việt Nam’   


Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) phát biểu tại buổi họp báo ngày 6/4/2017.
Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) phát biểu tại buổi họp báo ngày 6/4/2017.

Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng chính quyền Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo.

Tại buổi giới thiệu Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, do Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức hôm 6/4, linh mục Thomas Reese nói chính quyền Hà Nội phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo trên khắp nước Việt Nam:

“Chúng tôi muốn chính quyền trung ương phải đảm bảo tự do tôn giáo được tôn trọng ở mọi nơi trên cả nước, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, khu vực người thiểu số, vùng nông thôn, nơi một số giới chức đã ngăn cản tu sĩ, hành hung các mục sư, linh mục, và can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo.”

Linh mục Thomas Reese nói Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ việc thi hành Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới của Việt Nam, một bộ luật bị nhiều tổ chức quốc lên án là còn nhiều hạn chế.

Chúng tôi muốn chính quyền trung ương phải đảm bảo tự do tôn giáo được tôn trọng ở mọi nơi trên cả nước, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, khu vực người thiểu số, vùng nông thôn, nơi một số giới chức đã ngăn cản tu sĩ, hành hung các mục sư, linh mục, và can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo.
Chủ tịch USCIRF Thomas Reese

Ông Reese nói:

“Chúng tôi vẫn còn quan ngại. Chúng tôi muốn theo dõi xem Việt Nam sẽ thực hiện Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới như thế nào. Bộ luật có một vài cải tiến, nhưng cũng có vài điều luật còn sử dụng từ ngữ không rõ ràng.”

Linh mục Reese xác định rằng Đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo năm nay, 2017, có bao gồm hồ sơ về những vụ vi phạm tự do tôn giáo đối với mục sư Nguyễn Công Chính -đang bị cầm tù- và vợ ông, bà Trần Thị Hồng, là một nỗ lực nhằm đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC- Các Quốc gia đáng Quan tâm Đặc biệt về tự do tôn giáo – như USCIRF đề xuất vào tháng trước, khi cơ quan này công bố phúc trình đánh giá tự do tôn giáo ở Việt Nam, 10 năm sau khi ra khỏi CPC.

Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không tán thành đề nghị của USCIRF.

Theo đề án công bố hôm 6/4, hàng năm USCIRF có trách nhiệm tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Bất cứ ai trên thế giới đều có thể nộp cho USCIRF những thông tin về các vụ đàn áp tôn giáo xảy ra ở nước họ.

Ngoài hồ sơ về Việt Nam nêu bật trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng, các hồ sơ khác được USCIRF đơn cử hôm 6/4 tại trụ sở quốc hội Mỹ bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Nga, Iran, Ả Rập Xê-út , và Eritrea.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức phi chính phủ đã đề xuất với USCIRF việc ra đề án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo Việt Nam năm nay nói với VOA rằng sở dĩ năm nay có đề án này là vì 2017 là năm đầu tiên USCIRF thực thi Đạo luật Tăng Cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế (H.1150) do cựu Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 12/2016.

Luật mới này đòi hỏi USCIRF tổng hợp danh sách các tù nhân tôn giáo ở nhiều quốc gia khác nhau. Nếu một quốc gia có nhiều tù nhân tôn giáo, tức là đàn áp tự do tôn giáo ở mức nghiêm trọng và phổ biến, thì sẽ bị đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt, và nếu một quốc gia nằm trong danh sách này trong hai năm mà không có sự cải thiện nào thì tự động sẽ bị đưa vào danh sách CPC.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS tại buổi họp báo của USCIRF tại Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 6/4/2017.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS tại buổi họp báo của USCIRF tại Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 6/4/2017.


Tiến sĩ Thắng nói việc đưa Việt Nam trở lại CPC dù mất nhiều thời gian nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khó có thể “nương tay’ với Việt Nam hay từ chối đưa Việt Nam trở lại CPC:

“Luật Tăng cường Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế làm cho việc từ chối khó khăn hơn. Bởi vì từ trước tới giờ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nói rằng Việt Nam có vi phạm về tự do tôn giáo hết sức nghiêm trọng nhưng chưa vượt ngưỡng để đưa vào danh sách CPC. Luật mới nói rằng chưa vượt ngưỡng CPC mà đã trầm trọng thì phải đưa vào danh sách cần theo dõi đặc biệt và hai năm liền mà không chứng minh được sự cải thiện thì tự động rơi vào danh sách CPC, chứ không thể chống chế được nữa.”

Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính thuộc Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ đang thọ án 11 năm tù ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, theo điều 87 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” từ tháng 4 năm 2011.

Theo tin trên trang mạng USCIRF, thì tình trạng sức khỏe của mục sư Chính đang nguy cấp: các giám thị trại giam bị cáo buộc là “xúc phạm thân thể, khủng bố tinh thần”, và mục sư Chính “bị cao huyết áp, viêm xoang mũi cấp tính và mắc bệnh dạ dày nhưng ông không được điều trị”.

USCIRF viết thêm: “Trong khi chính quyền Việt Nam giam cầm một cách bất chính mục sư Chính, họ còn sách nhiễu bà Trần Thị Hồng, vợ ông. Họ giám sát chặt chẽ, niêm phong nhà, ngăn cản bà Hồng đi thăm chồng hoặc mua thuốc cho con gái khi bị bệnh.”

Vào ngày 30/3/2016, nhà chức trách địa phương ngăn cản bà Hồng gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein. Mặc dù cuối cùng bà đã gặp ông Đại sứ, nhưng bà phải đối đầu với nhiều khó khăn sau đó: bà bị hành hung khiến bị thương ở đầu, đầu gối, chân, bàn tay và bàn chân. Sau khi gặp ông Đại sứ, bà bị thẩm vấn suốt ba ngày, bà còn bị ép phải ký một văn bản xác nhận rằng cuộc gặp với ông Đại sứ là bất hợp pháp và phải nhận bà là thành viên của một hội thánh bất hợp pháp, có tính cách phá hoại. Theo USCIRF, vì từ chối ký tên, vợ của Mục sư Chính đã bị nhiều phụ nữ làm việc cho chính quyền Gia Lai sách nhiễu trong bốn giờ liền.

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG