Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 27/10 ra quyết định đình bản tạm thời báo điện tử Tầm Nhìn trong 3 tháng. Đây là tờ báo thứ hai trong nước bị đình bản chỉ trong tháng 10 này. Không giống với vụ đình bản tờ Petro Times trước đó, việc đình bản Tầm Nhìn nhận được sự ủng hộ ngay cả trong giới nhà báo độc lập và phản biện.
Your browser doesn’t support HTML5
Thông cáo báo chí được các báo đăng tải cho biết Tầm Nhìn bị đình bản tạm thời vì “đã vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mặc dù đã được cơ quan quản lý báo chí về nhà nước nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng báo tiếp tục vi phạm”.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho biết đây không phải là lần đầu tiên Tầm Nhìn bị đình bản.
“Từ năm 2011 – 2012, lúc đó tôi còn làm trong nhà nước và tôi có cộng tác với báo Tầm Nhìn. Tôi viết những bài phản biện. Lúc đó, Tầm Nhìn cũng chịu đăng những bài phản biện, đặc biệt là liên quan đến vụ Đoàn Văn Vươn. Sau khi tôi bị công an bắt vì viết bài chống tham nhũng, sau đó báo Tầm Nhìn cũng bị đóng cửa luôn. Nghe nói là đóng cửa suốt 1 năm. Khi tôi được thả, không biết vô tình hay hữu ý, Tầm Nhìn lại hoạt động trở lại. Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm, báo Tầm Nhìn bị đóng cửa”.
Thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông không nêu lý do cụ thể dẫn đến việc đình bản Tầm Nhìn, nhưng các nguồn tin không chính thức nói việc đình chỉ có liên quan đến những lùm xùm xung quanh vụ nước mắm chứa chất arsen vô cơ (thạch tín) độc hại.
Trong vụ việc này, báo Thanh Niên cũng đã thông báo gỡ bỏ các bài báo có liên quan đến “nước mắm chứa arsen” và xin lỗi độc giả. Tờ này trước đó đăng một loạt bài về nước mắm sau một bài đăng của Hội bảo vệ người tiêu dùng (VINATAS) nói nước mắm truyền thống có chứa thạch tín.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn gọi vụ này có dấu hiệu liên doanh ma giữa “nhóm lợi ích”, VINATAS và báo chí.
Người đứng đầu cơ quan kiểm soát báo chí tuyên bố “quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo” và gọi đó là “truyền thông bẩn”.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói ông và Hội nhà báo độc lập ủng hộ việc chống “truyền thông bẩn” của Bộ Thông tin Truyền thông.
“Nếu đúng là liên quan đến lợi ích kinh tế thì hoàn toàn không có liên quan đến vấn đề phản biện, và thực ra thì quan điểm của cá nhân tôi hay của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng không ủng hộ vấn đề báo chí liên quan đến làm ăn kinh tế rồi tạo ra các lợi ích nhóm, tranh thủ và tạo ra truyền thông bẩn trong khu vực nhà nước liên quan tới báo chí”.
Hồi đầu tháng này, Việt Nam cũng ra quyết định đình bản báo Petro Times 3 tháng và thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập của tờ báo này. Lý do Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra là vì Petro Times đăng lại bài phỏng vấn của một tờ báo nước ngoài với blogger Người Buôn Gió về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức đang bị Việt Nam truy nã, và vì “các sai phạm khác nữa”.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn là người có quan điểm “còn cứng rắn và bảo thủ hơn cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Nhà báo độc lập dự đoán tiếp theo sẽ có thêm các nhà báo, cáo báo bị kỷ luật ở một mức độ nào đó theo Luật Báo chí Việt Nam và với các nguyên do khác nhau.
TS. Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng:
“Riêng đối với chiến dịch xử lý sai phạm trong truyền thông của ông Trương Minh Tuấn, khách quan mà nói, tôi không ủng hộ ông Trương Minh Tuấn nếu ông xử lý những nhân vật bất đồng chính kiến trong báo chí, đặc biệt là bất đồng về vấn đề tư tưởng và chính trị, nhưng tôi sẵn sàng ủng hộ ông Trương Minh Tuấn trong việc xử lý truyền thông bẩn. Bất kỳ chế độ nào cũng không thể chấp nhận truyền thông bẩn”.
Thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết sau khi hết thời hạn đình bản tạm thời, bộ sẽ xem xét và quyết định về việc tiếp tục xuất bản tờ báo này.
Báo Tầm Nhìn được cấp phép hoạt động từ tháng 3/2010 và khai trương chính thức vào tháng 6 cùng năm. Cơ quan chủ quản của tờ báo là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.