Điều trần về vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam

Các nhà hoạt động vì nhân quyền Việt Nam có mặt tại cuộc điều trần của Ủy ban đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ, ngày 11/4/2013.

Tiếp theo cuộc họp báo trước thềm Quốc hội Hoa Kỳ ngày thứ Tư 10 tháng 4 để giới thiệu phái đoàn tham dự cuộc điều trần về tình hình vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam. Ngày thứ Năm, 11 tháng 4, một phái đoàn gồm các nạn nhân nạn buôn người và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam cùng với các nhà tranh đấu đã điều trần trước một số dân biểu dưới sự chủ tọa của dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Tiểu ban nhân quyền của Uûy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Mời quý vị theo dõi chi tiết qua phần trình bày của Hà Vũ.

Trong phần mở đầu buổi điều trần, dân biểu Chris Smith đồng ý với phúc trình thường niên năm 2012 của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế là “chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát tất cả các cộng đồng tôn giáo, hạn chế và trừng phạt nặng những hoạt động tôn giáo độc lập, và đàn áp những cá nhân và tổ chức được xem như thách thức quyền hành của nhà nước.”

Và ông đồng ý với kết luận của Ủy hội là Việt Nam nên được đưa vào danh sách các nước đặc biệt cần quan tâm CPC.

Ông cho biết một trong những nhân chứng trong buổi điều trần ngày hôm nay là anh Trần Thanh Tiến, một giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu đã bị đàn áp vào năm 2010 khi họ tổ chức một tang lễ.

Dân biểu Chris Smith cũng giới thiệu cô Danh Hui, đại diện gia đình của 15 nạn nhân bị lường gạt làm nô lệ tình dục dưới sự bao che của một số giới chức tòa đại sứ Việt Nam tại Moscow.

Trong phần trình bày bằng tiếng Việt, qua sự thông dịch của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành của Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS, cô Danh Hui, có em gái là cô Huỳnh Thị Bé Hương,16 tuổi, một trong số 15 nạn nhân bị lường gạt đưa đi Nga để làm trong nhà hàng, nhưng đã bị buộc phải bán dâm ngay khi đặt chân đến Moscow. Được sự giúp đỡ của BPSOS, dân biểu Al Green, Texas, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cô Hương và sáu người khác đã được về Việt Nam nhưng không dám về quê vì sợ chủ chứa ở Nga cho đàn em sát hại.

Cô Danh Hui nói:

“Hiện nay Hương và các em đã hồi hương đang cần sự giúp đỡ và bảo vệ và tám em ở Nga đang cần được giải cứu. Xin nghĩ đến họ như con gái của quý vị.”

Cũng qua phần thông dịch của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, anh Trần Thanh Tiến, giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẳng, cho biết là từ tháng 6 năm 2008, chính quyền Đà Nẳng đã đưa ra quyết định giải tỏa toàn bộ giáo xứ Cồn Dầu, di dời tất cả hơn 2.000 giáo dân và hơn 1.600 ngôi mộ tại nghĩa trang giáo xứ để xây một khu du lịch sinh thái.

Ngày 4 tháng 5, 2010, chính quyền Đà Nẳng đã đưa hàng trăm công an vũ trang đến ngăn chặn và đàn áp đám tang của một giáo dân. Hàng trăm giáo dân, kể cả người già, đàn bà và trẻ em bị đánh đập tàn nhẫn. 62 giáo dân bị bắt về đồn công an, bị tra tấn hàng tuần lễ. Bảy giáo dân bị kết án tù. Giáo dân Nguyễn Thành Nam bị tra tấn đánh đập cho đến chết. Anh Tiến bị bắt về đồn công an Cẩm Lệ, bị đánh đập, tra tấn và bắt phải nhận tội. Sau khi được thả ra anh nằm trong số 90 giáo dân vượt biên giới qua tị nạn tại Thái Lan. Anh Tiến là một trong 34 giáo dân được định cư tại Hoa Kỳ trong thời gian qua. Anh cho biết việc cưỡng chiếm đất đai của giáo dân Cồn Dầu vẫn tiếp tục.

“Ngay lúc này hơn 100 gia đình giáo dân còn bám trụ ở giáo xứ đang lo lắng vì một lệnh cưỡng chế mới. Cách đây hai ngày, một gia đình bị lực lượng cưỡng chế san bằng và đuổi ra.”

Ông kêu gọi Ủy ban:

“Tôi tha thiết xin quý vị lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay mưu toan xóa sổ Giáo xứ của chúng tôi. Chấm dứt việc tra tấn, đánh đập, bạo hành của công an.”

Ông Võ Văn Ái, đại diện Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Cơ sở Quê Mẹ, trong bài phát biểu ao ước Hoa Kỳ đưa ra những tiêu chuẩn và khung thời gian để bắt buộc Việt Nam phải thay đổi những chính sách nhân quyền còn nếu như chỉ đối thoại không thì Việt Nam thường dùng đối thoại đó để tuyên truyền là Việt Nam tôn trọng nhân quyền.

“Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà nước Việt Nam luôn luôn nói rằng chúng tôi đã đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ, với Úc, vân vân... chứng tỏ họ đã tôn trọng nhân quyền, nhưng thực ra trong nước tuyệt đối không có sự thay đổi nào trong chính sách nhân quyền, từ vấn đề tôn giáo đến vấn đề người Thượng, vân vân…”

Buổi điều trần còn có bài phát biểu của Cựu Dân biểu Cộng hòa bang Louisiana Cao Quang Ánh, cô Anna Buonya, Phát ngôn viên của Tổ chức Nhân quyền Người Tây Nguyên và ông John Sifton giám đốc châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

http://www.youtube.com/embed/EUIDhmnYm3I