Vào lúc 10 giờ 45 sáng ngày 10 tháng Tư năm 2013, hai ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của dân biểu Cộng hòa Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và sự có mặt của dân biểu Frank Wolf, thuộc đảng Cộng hòa bang Virginia, một số các vị lãnh đạo tinh thần và những nhà hoạt động tôn giáo đã mở cuộc họp báo tại House Triangle, dưới thềm Quốc hội Hoa Kỳ nói lên tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam và kêu gọi chính giới Mỹ quan tâm đến tình hình vi phạm nhân quyền có hệ thống tại Việt Nam.
Ngày thứ Sáu 12 tháng 4 tại Hà Nội, hai phái đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhau trong cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 17. Đáng lý vòng 17 cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ phải được tổ chức vào tháng 11 hay tháng 12 năm 2012 theo như thường lệ, tuy nhiên mãi cho đến gần đây hai bên mới thống nhất được ngày giờ tổ chức đối thoại. Lý do của sự chậm trễ này là Hoa Kỳ cho rằng cuộc đối thoại vòng 16 được tổ chức vào hai ngày 9 và 10 tháng 11 năm 2011 tại Washington đạt được ít kết quả và hai bên cần phải tiếp tục đàm phán thêm để có những kết quả tốt hơn.
Các nhà phân tích nhận định một trong những nguyên nhân chính của sự trì trệ này là việc Việt Nam tăng cường đàn áp những nhà bất đồng chính kiến trong hai năm qua cũng như việc bắt giữ một công dân Mỹ là luật sư Nguyễn Quốc Quân cho thấy Việt Nam không quan tâm đến các vi phạm về nhân quyền của Việt Nam do Hoa Kỳ nêu ra.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành của Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS, người đứng ra phối hợp tổ chức cuộc họp báo cho biết mục đích chính của cuộc họp báo:
“Bắn tiếng về trong nước và trong công luận vì hiện nay đang có một phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ ở Việt Nam để chuẩn bị đi vào cuộc họp đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn đánh động lên để trong nước biết, phái đoàn biết và chính quyền Việt Nam biết.”
Trong cuộc họp báo, đại diện tại Hoa Kỳ của ba tôn giáo lớn, Công giáo, Phật giáo và Tin lành đã nêu lên những khó khăn các nhà lãnh đạo tinh thần cũng như tín đồ ba tôn giáo này gặp phải tại Việt Nam.
Ông Đỗ Như Điện, thuộc Phong Trào Giáo Dân Việt Nam ở California nêu ra một số câu hỏi và ông cho rằng trả lời những câu hỏi này sẽ thấy rõ được hoàn cảnh của tín đồ Công giáo tại Việt Nam. Ông hỏi tại sao có Ban Tôn Giáo để quản trị các tôn giáo, tại sao Hiến pháp Việt Nam qui định tự do tôn giáo nhưng nhà nước lại ban hành quá nhiều luật lệ về tôn giáo để làm khó dễ việc hành đạo, tại sao không có người Công giáo nào được giao cho những chức vụ trong chính quyền và giáo hội Công giáo bị phân biệt đối xử?
“Giáo hội Công giáo là một tổ chức có tám triệu giáo dân nhưng mà cho đến bây giờ vẫn không được đối xử ngang hàng với các tổ chức dân sự cũng như những tổ chức xã hội khác ở trong nước.”
Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thắng thuộc Giáo hội Báp Tít Nam phương Hoa Kỳ cho rằng khó khăn nhất cho những giáo hội Tin Lành tại Việt Nam là chính quyền đưa người vào các tổ chức từ địa phương cho đến cấp quốc gia của giáo hội. Ông đề nghị phải có sự phân biệt giữa chính quyền và giáo hội. Ông giải thích thêm:
“Khi phân biệt được giữa giáo hội và chính quyền thì hai bên tôn trọng lẫn nhau và sẽ cùng nhau tiến trên con đường phục vụ dân, vừa bên vật chất, vừa bên tinh thần. Cả hai đều có bổn phận như thế nước mới mạnh, dân mới giàu được.”
Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Tổng thư ký Giáo hội Thống nhất Việt Nam Hải ngoại, Văn phòng 2 Viện Hóa đạo đưa ra nhận xét là từ khi Hoa Kỳ bình thường hoá bang giao với Việt Nam dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tại Việt Nam về phương diện nhân quyền và tự do tôn giáo ít có cải thiện.
“Chúng ta hy vọng rằng trong quan hệ càng ngày càng cải thiện thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ không quên đi khía cạnh nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam.”
Thượng tọa Thích Viên Lý, chủ tịch Giáo hội Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cho rằng nếu toàn thể đồng bào tại quốc nội và hải ngoại quyết tâm tranh đấu thì chắc chắn một ngày nào đó Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Ông cho rằng tiếng nói của Việt kiều tại hải ngoại được thế giới lắng nghe nhưng vẫn chưa đủ. Ông đề nghị:
“Chúng ta tiếp tục vận động đối với bất cứ cơ quan nào kể cả những nhân sĩ, trí thức khắp nơi trên thế giới để họ hậu thuẫn chúng ta đối với tiến trình tự do dân chủ tại Việt Nam.”
Cựu dân biểu liên bang Cao Quanh Ánh đồng ý với nhận xét của hai vị Thượng tọa đại diện cho Giáo hội Việt Nam Thống nhất Hải ngoại là những sinh hoạt vận động với Quốc hội Hoa Kỳ và các nước khác có nhiều kiều bào cư ngụ sẽ dần dần mang tới sự thay đổi trong xã hội Việt Nam, mặc dù việc này không tới trong vòng một năm, hai năm nhưng ông hy vọng trong tương lai có thể là năm năm hay mười năm Việt Nam sẽ thay đổi. Ông nói tiếp:
“Chúng ta không nghĩ việc làm của chúng ta là một thất bại hay là không đi tới đâu. Mặc dù không đi tới đâu đi nhưng chúng ta cũng phải cần tiếp tục vận động, chúng ta phải cần làm những gì chúng ta cần làm để mang tới một niềm hy vọng cho cộng đồng Việt Nam chúng ta trong nước Mỹ này.”
Dân biểu Chris Smith trong phần kết thúc cuộc họp báo cho rằng thảo luận không thể thay thế việc làm và căn cứ trên những hành động đàn áp, ngược đãi những người bất đồng chính kiến như những người thuộc khối 8604, những người sắc tộc Tây nguyên, những người Hmong…và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông đề nghị:
"Ngay lúc này, hôm nay, đưa Việt Nam vào danh sách các nước đặc biệt cần quan tâm CPC.”