Ông Nguyễn Thiện Nhân – người đang đại diện dân chúng TP.HCM tại Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam – vừa đề nghị chuyển 130.000 tỉ mà năm ngoái các Đại biểu quốc hội đã nhất trí sẽ đầu tư cho các dự án phúc lợi công công nhưng chưa dùng đến cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì EVN đang... lỗ nặng (1).
EVN nói riêng và thực trạng lĩnh vực điện năng tại Việt Nam nói chung chính là một trong những minh họa sống động cho nhận thức, năng lực quản trị điều hành kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dưới sự lãnh đạo luôn được ca ngợi là “sáng suốt và tài tình” của đảng CSVN...
***
Để xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, chính quyền Việt Nam thành lập một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và dồn gần như toàn bộ nội lực quốc gia vào những tập đoàn, tổng công ty, công ty này. Cho dù nhận được đủ thứ ưu đãi từ vốn đến chính sách nhưng các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước liên tục thua lỗ trầm trọng đến mức chính quyền Việt Nam chịu không xiết, phải “giải tư” (cổ phần hóa) phần lớn tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.
Sau giai đoạn thành lập, cố gắng duy trì các “trụ” lẽ ra phải “đỡ” cho “nền kinh tế theo định hướng XHCN” vững vàng để phát triển nhưng chỉ rặt “phá gia chi tử” là giai đoạn “giải tư” tạo điều kiện cho nhiều cá nhân biến công sản (tài sản của các doanh nghiệp nhà nước) thành tài sản riêng, những tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước chưa được “giải tư” hoàn toàn thì tiếp tục vừa phá, vừa lũng đoạn chính sách trong lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty, công ty này được hưởng đặc quyền và EVN nằm trong nhóm này.
Cung cách quản trị, điều hành quốc gia dưới sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của đảng CSVN đã giúp EVN biến điện năng nói riêng và năng lượng quốc gia nói chung trở thành một thứ “con tin”. Thỉnh thoảng EVN lại... báo lỗ, dọa sẽ... thiếu điện nên sắp hoặc sẽ phải cắt điện luân phiên gây căng thẳng cho nhiều giới (đầu tư ngoại quốc, doanh nghiệp, tiêu dùng)... Hậu quả của kiểu hù dọa này tai hại tới mức hồi cuối 2018, Thủ tướng Việt Nam khi đó phải dọa lại: Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức anh đó (2)!
Đáng ngạc nhiên là chưa rõ vô tình hay cố ý, những cá nhân “sáng suốt và tài tình” đã cũng như đang lãnh đạo đảng CSVN lại chấp nhận chuyện này, thành ra ngay sau khi loan báo đạt mức lãi... “kỷ lục” (khoảng 14.700 tỉ) vào năm 2021, EVN bắt đầu báo... lỗ và mức độ thua lỗ cũng là... “kỷ lục” (3). Từ năm 2022, EVN liên tục phá... “kỷ lục” thua lỗ. Thay mặt EVN, ông Nguyễn Thiện Nhân mới “cảnh báo”, EVN đã lỗ khoảng 100.000 tỉ (tương đương 50% vốn điều lệ), trong đó có 19.000 tỉ đến hạn nhưng không trả được!
Bởi EVN... “thua lỗ” trầm trọng nên chính quyền Việt Nam lặng thinh để EVN tăng giá bán điện thêm một lần nữa hồi đầu tháng này, bất kể hậu quả của việc tăng giá điện đối với kinh tế - xã hội trong bối cảnh ngặt nghèo như hiện nay (4) nhưng điều đó vẫn chưa phải là nghiêm trọng nhất. Trong vài tuần gần đây, EVN công bố hàng loạt thông tin cho thấy, an ninh năng lượng Việt Nam đang ở ngưỡng nguy hiểm.
Bên cạnh báo... “lỗ”, EVN liên tục loan báo... “thiếu điện” và để... chứng minh là... thiếu... thiệt, EVN đã tiến hành cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, song song với việc đề nghị Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thanh toán trễ tiền mua than, cho vay than để sản xuất điện (5). EVN cũng đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ưu tiên cung cấp khí đốt cho sản xuất điện, thậm chí dừng hoạt động của hai nhà máy đạm (Cà Mau và Phú Mỹ) nhường nguồn khí đốt này cho sản xuất điện (6).
***
Theo giải thích của EVN, tập đoàn này thua lỗ nghiêm trọng và liên tục phải đề nghị hoặc chủ động tăng giá bán điện trong phạm vi được phép tự quyết định là vì giá các loại nguyên liệu (than, dầu) để sản xuất điện tăng. Còn thiếu điện là vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất điện (lưu lượng nước của thủy điện giảm so với mức trung bình, việc nhập cảng than gặp khó khăn, trữ lượng của các mỏ khí đốt đã bắt đầu giảm), kế hoạch mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào không suôn sẻ như dự tính ban đầu (7)...
Có một điểm đáng chú ý là cả các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn EVN cùng lờ đi nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng mà EVN mô tả là từ đâu. Nơi nào đề nghị cho phép phát triển thủy điện và các nhà máy đốt than phát điện tràn lan? Nơi nào phê duyệt những đề nghị này bất chấp những khuyến cáo của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài Việt Nam về những tác hại nghiêm trọng cho môi trường, dân sinh và an ninh năng lượng quốc gia?
Giờ, thay vì điểm mặt, chỉ tên những tổ chức như đảng CSVN, những cơ quan hữu trách như Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân đề ra, biểu quyết, phê duyệt ủng hộ Quy hoạch Điện VII giai đoạn từ 2011 đến 2020 và Điều chỉnh Quy hoạch điệnVII (8) thì những thành viên là rường cột của đảng CSVN muốn ngắt thêm 130.000 tỉ đồng vốn dĩ phải dùng cho những dự án phúc lợi công cộng để trao cho EVN. Người Việt có cần sự “sáng suốt và tài tình” như thế không?..
(Còn tiếp)
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/de-xuat-nha-nuoc-chi-130000-ti-dong-de-evn-cat-lo-185230523214135141.htm
(2) https://vnexpress.net/thu-tuong-anh-nao-cat-dien-cach-chuc-anh-do-3869864.html
(5) https://tuoitre.vn/evn-xin-gian-no-tien-mua-than-de-duy-tri-san-xuat-dien-20230517062404128.htm
(6) https://plo.vn/neu-ngung-nha-may-dam-de-san-xuat-dien-luong-phan-bon-co-dam-bao-post734334.html