Đường dẫn truy cập

Đại biểu QH Nguyễn Thiện Nhân gợi ý chi ngân sách 130.000 tỉ đồng để ngành điện cắt lỗ


Ngành điện Việt Nam chịu thua lỗ trong nhiều năm liền.
Ngành điện Việt Nam chịu thua lỗ trong nhiều năm liền.

Đại biểu quốc hội Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hôm 23/5 đề xuất chi số tiền lên đến 130.000 tỉ đồng để giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt lỗ khi quốc hội bàn về dự thảo Luật Giá sửa đổi. Nhiều người dân phản ứng trên mạng xã hội về ý kiến của ông Nhân, cho rằng nó không hợp lý và có tính chất bảo vệ nhóm lợi ích, theo quan sát của VOA.

Một số báo Việt Nam, trong đó có Thanh Niên và Sài Gòn Giải Phóng trích dẫn phát biểu của ông Nhân, một trong những đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh tại quốc hội, cho hay trong 3 năm 2021-2023, EVN có thể bị lỗ tổng cộng hơn 100.000 tỉ đồng trong sản xuất điện, bằng 49% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tập đoàn này vẫn đang nợ các khách hàng 19.700 tỉ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả, theo các bản tin.

Vẫn các báo trong nước dẫn lời phát biểu của ông Nhân trong phiên thảo luận của quốc hội cho biết rằng đến năm 2024, nếu giá điện không tăng, có dự báo là tổng lỗ tích lũy của EVN qua 4 năm sẽ còn tăng thêm nữa, nằm trong khoảng từ 112.000-144.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa là tập đoàn sẽ mất 54-70% vốn điều lệ, ông Nhân nói.

Để bù đắp cho số lỗ khổng lồ kể trên, vị đại biểu quốc hội từng giữ chức phó thủ tướng, bộ trưởng giáo dục-đào tạo và bí thư thành ủy Tp.HCM nêu ra ý tưởng là lấy tổng vốn đầu tư công gần 130.000 tỉ đồng không sử dụng của năm 2022 để cắt lỗ cho EVN và như vậy tập đoàn này “sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới”.

Nếu thực hiện điều ông Nhân đề xuất, việc này sẽ giúp tập đoàn nhà nước lớn nhất Việt Nam “không tiến tới trạng thái sắp phá sản” vào năm 2024 mà sẽ “phát triển bền vững”, đại biểu quốc hội của Tp.HCM nói thêm, báo chí Việt Nam tường thuật.

Lý giải về gợi ý của mình, ông Nhân nói rằng lâu nay nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam bằng "mệnh lệnh hành chính" chứ "không chi một đồng nào". Theo ông, phương pháp điều tiết giá đang làm hiện nay của nhà nước - mà ông gọi là “không hỗ trợ doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân” - đã đẩy EVN vào cảnh thua lỗ, các bản tin cho hay.

Xem xét các yếu tố đó, từ góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Luật Giá sửa đổi cần có thêm nội dung nói về nguyên tắc quản lý điều tiết giá của nhà nước, theo đó, nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá.

Dư luận trên mạng xã hội, bao gồm tiếng nói của những Facebooker có nhiều ảnh hưởng như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, các nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh, Nguyễn Tiến Tường, Hoàng Linh, nhà văn Phạm Viết Đào, v.v…, phản đối đề xuất của ông Nhân về việc dùng 130.000 tỉ đồng để giúp EVN cắt lỗ.

Họ cho rằng EVN phải chấn chỉnh hoạt động của chính mình để không bị lỗ, bên cạnh đó, thanh tra nhà nước cần vào cuộc để làm rõ vì sao tập đoàn nắm thế độc quyền này bị thua lỗ kéo dài, đồng thời không được dùng tiền ngân sách, tức tiền thuế thu của dân, để hỗ trợ cho EVN.

Theo tìm hiểu của VOA, số tiền 130.000 tỉ đồng cao hơn tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế là 120.112 tỉ đồng, con số này được nêu trong một báo cáo của Bộ Tài chính với quốc hội cách đây một năm.

Số tiền dự kiến giúp EVN cắt lỗ cũng gần bằng môt nửa của dự toán chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục-đào tạo năm 2022 là gần 276.000 tỉ đồng, theo một báo cáo của chính phủ vào tháng 12/2022.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG