Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố đánh giá hàng năm về những nỗ lực của các chính phủ nước ngoài trong cuộc chiến chống nạn buôn người, trong lúc các nhóm hoạt động bày tỏ lo ngại rằng địa chính trị vẫn tiếp tục ảnh hưởng trên bảng xếp hạng. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ Bangkok.
Nhiều sự chú ý tập trung vào việc Thái Lan bị nâng cấp từ danh sách cần theo dõi Nhóm 3 (nhóm thấp nhất) lên Nhóm 2 trong bản phúc trình về nạn buôn người (TIP).
Thái Lan nằm ở trung tâm của một khu vực tràn lan những tập đoàn buôn người có sự cấu kết của các giới chức tham nhũng.
Cô Kristen Abrams, giám đốc Liên minh Chấm dứt chế độ nô lệ và buôn người (ATEST) cho biết:
“Tình trạng của người lao động di cư ở nước này đang tệ đi. Tình trạng lạm dụng lao động vẫn tiếp tục nghiêm trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thủy sản. Chúng tôi cho rằng Thái Lan vẫn nên ở trong Nhóm 3”.
Phúc trình TIP xếp hạng các quốc gia theo một hệ thống ba nhóm, dựa trên sự tuân thủ của các nước đối với các tiêu chuẩn được đặt ra trong Đạo luật Bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người (TVPA). Nhóm 1 bao gồm các nước mà các chính phủ thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA. Các quốc gia thuộc Nhóm 2 là nhóm không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu, nhưng đang có những nỗ lực đáng kể trong việc thực hiện.
Nhóm xếp hạng thấp nhất là Nhóm 3, trong đó bao gồm các quốc gia mà chính phủ không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA và không có những nỗ lực đáng kể để làm việc này.
Việc bị xếp vào Nhóm 3 không chỉ là mang tiếng xấu hổ với quốc tế, mà còn có thể khiến cho quốc gia đó bị hạn chế trong việc tiếp cận các trợ giúp từ Hoa Kỳ và các nước khác.
Malaysia, một quốc gia điểm đến cho nhiều nạn nhân của nạn buôn người cũng như cho những người Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar, cũng đã được chuyển từ danh sách cần theo dõi Nhóm 3 lên Nhóm 2 trong Phúc trình TIP năm 2015.
Bà Abrams cáo buộc việc nâng cấp cho nước này hồi năm ngoái là có liên quan đến những cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu. Bà nói với đài VOA:
“Malaysia rất đáng bị đánh thấp xuống Nhóm 3. Thật bất công khi để họ trong Nhóm 2 của danh sách cần theo dõi hiện nay”.
Uzbekistan là quốc gia tiếp theo mà các nhà hoạt động nghi ngờ là các giới chức Hoa Kỳ đã đưa ra khỏi danh sách đen vì những cân nhắc trong vấn đề ngoại giao.
Theo một bài tường thuật của Reuters hồi tháng 8 năm ngoái, các giới chức ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đã nhiều lần gạt cơ quan chống buôn của Bộ Ngoại giao sang một bên và thổi phồng số điểm của 14 quốc gia chiến lược quan trọng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ những yếu tố chính trị trong việc sử dụng các công cụ ngoại giao căn bản để can thiệp vào các chính phủ nước ngoài về vấn đề buôn người, nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi phải cải tổ quá trình này.
Ông Sam Zarifi, giám đốc khu vực châu Á của Ủy ban Luật gia Quốc tế, nói với đài VOA:
“TIP và các biện pháp trừng phạt liên quan của nó thực sự là công cụ hiệu quả hợp lý đối với các chính phủ đánh giá cao mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ”.
Bà Abrams của ATEST tại Washington cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện một số bước rất tích cực để chống lại nạn buôn người, nhưng bà nói thêm như sau:
Nếu Bộ Ngoại giao để cho những ảnh hưởng chính trị chi phối lên bản phúc trình và cho thấy là phúc trình này không được công bố một cách trung thực, thì điều đó sẽ khiến cho di sản chính quyền Obama bị nghi vấn”.
Mạng lưới bảo vệ Quyền của Công nhân Di trú (MWRN), với 4.000 thành viên ở Thái Lan và Myanmar, cho biết họ ủng hộ việc nâng cấp cho Thái Lan và ghi nhận “những tiến bộ đáng kể”, nhưng cảnh báo vẫn còn cả “một chặng đường dài phải đi”.
MWRN cũng lên tiếng ủng hộ việc hạ cấp dự kiến đối với Myanmar xuống Nhóm 3. Ông Andy Hall, một cố vấn cho MWRN nói với đài VOA rằng “có ít động thái tích cực dưới chính quyền cũ” và “vẫn còn những vấn đề lớn và không đủ tiến bộ” về vấn đề buôn người.
Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích việc chính quyền quân sự Thái Lan đã đóng cửa biên giới đối với hàng ngàn người sống sót của nạn buôn người có nguy cơ tử vong trên biển, và giam giữ những người khác trong điều kiện mà các nhà hoạt động mô tả là vô nhân đạo.
Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan, một cựu chỉ huy quân đội, cho các nhà báo biết hôm thứ Tư:
“Chương trình nghị sự quốc gia của chúng tôi là chấm dứt nạn buôn bán người”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói trước đó trong tuần:
“Chúng tôi đã làm tốt hơn nhiều so với những lần trước”.
Ông Prayuth, một thống lĩnh quân đội hai năm trước đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không đổ máu để lật đổ các nhà lãnh đạo dân sự, đã sử dụng quyền lực mạnh mẽ của mình để cố gắng giảm thiểu nạn buôn người ở vương quốc này.
Những hành động của ông bao gồm việc thuyên chuyển các quan chức, có vẻ như đồng lõa hay không đủ để chống lại nạn buôn người, và cải thiện các thủ tục pháp lý.
Ông Zarifi nói về việc nâng cấp dự kiến vào hôm thứ Năm cho vương quốc này:
“Hoa Kỳ đang cố gắng phát triển trở lại mối quan hệ với Thái Lan và đồng thời ban thưởng cho một số nỗ lực của chính phủ Thái Lan trong những năm qua”.
Myanmar, còn gọi là Miến Điện, sẽ bị hạ cấp buộc nước này phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế nạn sử dụng lính trẻ em và lao động cưỡng bức, trong bối cảnh cuộc trấn áp liên tục trên diện rộng đối với người Hồi giáo Rohingya ở quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số. Điều đó sẽ đưa Myanamar vào cùng bảng với Iran, Bắc Triều Tiên và Syria, là các quốc gia có tình trạng buôn người tồi tệ nhất.
Bà Aung Lin, thư ký thường trực tại Bộ Ngoại giao nói với đài VOA.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ thất vọng (đối với việc bị hạ cấp) khi chúng tôi đã làm việc với tất cả các bên để cải thiện tình hình. Chúng tôi vẫn đang làm công việc của mình và sẽ tiếp tục làm”.
Sau nhiều thập niên nằm dưới sự cai trị của chính quyền quân sự, Myanmar nay đã có một chính phủ được bầu cử dân chủ do bà Aung San Suu Kyi là cố vấn nhà nước, mặc dù quân đội - kẻ thù lâu nay của bà - vẫn còn rất mạnh.
Bà Aung San Suu Kyi đã phải đối diện với nhiều chỉ trích kể từ chiến thắng áp đảo hồi năm ngoái của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà vì đã không làm đủ để cải thiện tình cảnh của những người Rohingya.
Chính phủ Myanmar không chịu sử dụng từ “Rohingya” để chỉ nhóm dân thiểu số mà gọi họ là người Bengali nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.