Đường dẫn truy cập

Các nhóm nhân quyền: ASEAN cần giải quyết vấn đề người Rohingya


Phụ nữ Rohingya đứng trước một nơi trú ẩn tạm thời ở thị trấn Bayeun, tỉnh Aceh, Indonesia.
Phụ nữ Rohingya đứng trước một nơi trú ẩn tạm thời ở thị trấn Bayeun, tỉnh Aceh, Indonesia.

Các tổ chức nhân quyền yêu cầu ASEAN giải quyết vấn đề tái định cư cho khoảng 7.000 người Rohingya tị nạn. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben tại trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, yêu cầu được đưa ra trong lúc hàng người Rohingya vẫn còn bị câu lưu một năm sau khi được cứu trong lúc bị những kẻ đưa lậu người bỏ rơi trên biển.

Hầu hết những người tị nạn này là người Rohingya ở tiểu bang Rakhine ở miền tây Myanmar và đã được cứu sau khi giới hữu trách Thái Lan tiến hành một cuộc trấn áp.

Trước đó, những trại của những kẻ đưa lậu người vượt biên đã được phát giác ở miền nam Thái Lan và hàng chục thi thể được tìm thấy trong những ngôi mộ nông.

Hơn 100 người bị bắt vì có dính líu tới những băng đảng đưa lậu người, kể cả một số viên chức chính phủ Thái Lan.

Một cuộc họp khẩn cấp của 17 nước -- trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thuỵ Sĩ và Australia, cùng với các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, đã hối thúc các nước liên hệ giải quyết vấn đề của người vượt biên.

Tuy nhiên, một năm sau khi bị bỏ rơi trên biển, hàng ngàn người Rohingya vẫn còn bị câu lưu tại các trại tạm giam.

Các tổ chức nhân quyền cho biết chỉ riêng ở Malaysia đã có gần 2.500 người bị giam, trong khi những người khác bị tạm giam tại các trung tâm ở Indonesia và Thái Lan.

Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Myanmar “không gian đầy đủ” để giải quyết vấn đề của người Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Myanmar “không gian đầy đủ” để giải quyết vấn đề của người Rohingya.

Cố vấn quốc gia Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ đi thăm Thái Lan trong tuần này và bà đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Myanmar “không gian đầy đủ” để giải quyết vấn đề của người Rohingya.

Các tổ chức xã hội dân sự Thái Lan cho biết họ sẽ trình bày với bà Suu Kyi, là người còn giữ chức bộ trưởng ngoại giao Myanmar, những khuyến nghị, kể cả vấn đề quốc tịch của những người Rohingya đã vượt biên.

Bà Siriprapha Petcharamesree, giáo sư Đại học Mahidol, cho biết người Rohingya tiếp tục đối mặt với hai vấn đề bị câu lưu và vô quốc tịch.

"Vấn đề vẫn còn đó. Vẫn y như cũ. Những người bị câu lưu tại các trung tâm tạm giam vẫn còn đó. Người Rohingya ở những nơi khác vẫn gặp rủi ro bị bắt và bị câu lưu hoặc bị trục xuất. Những mối rủi ro lớn vẫn còn đó. Các quyền của họ không được bảo vệ. Cho nên đối với tôi thì đây là một sự thất bại."

Các hội nghị khu vực đã được tổ chức để bàn về vấn đề này và một Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về vấn đề người tị nạn và người di dân sẽ diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 tới đây.

Tuy nhiên, cảm giác tuyệt vọng đang tăng cao trong số những người Rohingya bị giam. Ngày 23 tháng 5 tại Thái Lan, 21 người Rohingya đã trốn khỏi một trung tâm tạm giam ở miền nam và có một người bị cảnh sát Thái Lan bắn chết.

Bà Angkhana Neelapaichit, một thành viên của Uỷ hội Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, cho rằng chính phủ không thực hiện những biện pháp đã được đề ra trong cuộc họp khẩn hồi tháng 5 năm ngoái.

"Chính phủ Thái Lan vẫn chưa có chính sách cụ thể đối với nhóm người này. Họ là người di dân và họ bị câu lưu và không thể ra ngoài kiếm để đi làm. Họ bị tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục và không thể tiếp cận dịch vụ y tế công cộng. Cho nên đây là một vấn đề."

Một bài phóng sự mới đây của đài truyền hình ABC của Australia cho thấy những trại tạm giam người Rohingya ở tiểu bang Rakhine của Myanmar bị quản lý một cách tệ hại, với những cơ sở thiếu tiêu chuẩn, như nhà vệ sinh, bị hư hại vì bão, khiến cho những người ở đây phải đi tiêu đi tiểu ngoài đồng.

Các nước ASEAN đã đồng ý thiết lập một ngân quỹ đặc biệt để giúp đỡ người di dân và người tị nạn, một hành động nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức nhân quyền.

Ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, cho biết số người Rohingya ở Myanmar vượt biên đã giảm đi, nhưng các chính phủ trong vùng cần phải giải quyết những vấn đề bao quát hơn.

"Vấn đề hiện nay là các chính phủ trong khu vực vẫn chưa xem việc bảo vệ những người sống sót là ưu tiên hàng đầu. Do đó, những người sống sót sau khi bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển hồi năm ngoái vẫn còn bị câu lưu cho tới nay."

Ông Smith cho rằng khối ASEAN cần làm nhiều hơn nữa để có những chính sách thích hợp nhằm giải quyết vấn đề vượt biên thường có dính líu tới những băng đảng tội phạm xuyên quốc gia.

"Đây là một vấn đề xuyên quốc gia. Đây là một vấn đề quốc tế. Đây là một vấn đề khu vực và quả thật là không nước nào có thể tự mình giải quyết một cách đơn độc."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG