Di Vật 1968 (2)

Di Vật 1968 (2)

2.

Vẫn chưa có tin của thầy. Mẹ cũng bấn, cố giữ bình tĩnh, thắp thêm nhang, sai u đong thêm túi gạo. Mẹ dặn đong ít thôi, không vác nặng, u còn phải trông các em. Rồi mẹ gọi lại cho cô Sâm chia buồn, cô Sâm là nữ quân nhân, chú Sâm vừa biệt phái về Tổng Nha mấy hôm trước Tết. Nhưng đường dây điện thoại bị đứt. Chị N bật truyền hình, đài truyền hình không phát hình. Mẹ bảo mở radio, các bản nhạc hùng trầm bổng. Chị N nghĩ Việt Cộng chiếm đài phát thanh rồi. Mẹ bảo Chưa. Nếu đài phát thanh bị chiếm họ đã phát lệnh hiệu triệu. K hỏi nhưng nếu chưa bị chiếm sao không có tin tức. Mẹ không biết. Mẹ muốn gọi cho cô Út, cô Cắm, thím Hải, hỏi thăm các chú được lệnh trình diện đơn vị, nhưng đường giây vẫn bị cắt. Súng lúc này không còn nổ phía chùa Vĩnh Nghiêm mà âm âm khu cầu Sắt. Chị em chúng tôi rúc xuống bếp. U lại chiên bánh chưng. U khuyên Mợ ăn lấy sức. Mẹ đụng đũa chiếu lệ, than thở: Không biết ông Bảo bây giờ ra sao. U an ủi mẹ: Cậu mợ ở hiền, trời Phật độ. Tuy nói vậy, nhưng u cũng rươm rướm nước mắt. Chị em chúng tôi ai cũng nhớ thầy. Sợ thầy gặp nạn. Sau Tết Mậu Thân thầy kể, chuyến xe đò của thầy đi từ Long An lên Sài Gòn bị Việt Cộng chận. Việt Cộng của tỉnh đội Tân An pha đèn bấm giữa mặt thầy, may mắn xe ở đồn quân cảnh chạy ngang, Việt Cộng xả súng bắn rồi bỏ chạy, thầy nhảy xuống mương, đến khi liên đoàn Bảo An đi qua được cứu. Tội chết mất ông trung sĩ quân cảnh. Lần nào kể chuyện, thầy cũng nhắc đến ông trung sĩ thế mạng, nếu không có ông chắc thầy đã bị bắt đi.

Lúc này bích kích pháo rơi xuống phía Gò Vấp liên tục. Lửa cháy ở phía Hàng Xanh có cuộn. Tiếng hoả tiễn rơi nghe rất lạ. Ban đầu giống như có tiếng sáo, rồi tiếng gió hú, tiếng nổ làm mặt đất rung, cuối cùng mới là tiếng rít xoáy. Gia đình ông Thanh Tùng di tản, chạy ngang nhà đập cửa: Tụi nó vào tới Tân Sơn Nhứt, Tổng Tham Mưu rồi, chạy đi. Ông bà Tuấn Kiệt cũng chạy qua nhà gọi: Bà Bảo chạy đi, Việt Cộng chiếm trại Phi Long, Lăng Cha Cả rồi. Mẹ bắt đầu mất điềm tĩnh. Gia đình ông bà bán hàng sơn cũng chạy, chỉ có hiệu bún bò Tân Thanh khuyên mọi người ở lại. Mẹ hối: U đã cất đồ của cụ chưa. U hấp tấp, vừa bế tôi vừa cho các di vật trên bàn thờ vào bao. Bốn tấm ảnh của cụ cố, ông nội, bà nội, chị Zính. U với tay lấy cái tráp, bên trong có một cuốn vở ghi gia phả, vài cặp kính của những người đã khuất, chiếc bật lửa đốt dầu hôi bằng nhôm của ông và một ve rượu đế. Tôi nhìn u túm tất cả lại, kỹ lưỡng, tuy gấp gáp mà u vẫn gói thận trọng sợ vỡ khung ảnh, làm như u sợ ông la. Tôi biết cái tráp. Nhiều lần tò mò mở xem, tôi hỏi Tại sao nhà mình giữ ve rượu. Thầy nói ve rượu là di vật, không được vất. Cô Cắm nói ve rượu ông nội cháu uống dở khi chết. Ve rượu đem từ ngoài Bắc, ông nội cháu đi đâu cũng giắt theo mình. Tôi vặn nắp chai. Chiếc nắp thiếc đã rỉ, đáy ve cạn khô, nhưng hơi rượu cay đến chóng mặt. Chiếc bật lửa bằng nhôm có khảm mấy chữ Tàu, bên dưới khắc 1920. Bây giờ Sài Gòn còn chiếc bậc lửa nào chạy dầu hôi hay không? Cuốn gia phả viết bằng ba thứ chữ Hoa, Pháp, Việt. Tôi chỉ đọc được phần cuối tiếng Việt, do ông chú chép: Cố tên Lưu Kim Nhật, ông tên Lưu Phú Chương, ông chú tên Lưu Phú Quý, thầy Lưu Linh Bảo. Sao phần cháu không ghi gì. Cô Cắm cười ông chú chừa trang cho cháu sau này viết. Cái tráp chỉ là một hộp bánh biscuit. Tôi nhìn u bọc thêm lớp gấm rồi thắt bao vải. Mẹ gọi U ơi nhanh lên. Giọng K sốt ruột, u ơi người ta đi hết rồi. N đâu? Ni lên phòng xem N đâu? Chị N xuất hiện. Chị mặc đầm trắng, nón trắng, giày trắng, ví đầm, bước xuống cầu thang. Con xong rồi mẹ. Chị nhoẽn cười. Cô đi thay đồ ngay cho tôi. Mẹ gắt. Chị phụng phịu. Chị là hoa khôi Thiên Phước, chị tâm niệm phải luôn xinh đẹp trong mọi hoàn cảnh. Tôi hỏi u, con có phải thay đồ không u. U vuốt đầu: Cậu mặc như vậy được, để u mang tất cho cậu. U chòng bít tất cho tôi, trong lúc tôi lại hỏi: Con mặc pyjama ra đường hở u? U cười pyjama của cậu hách lắm.

Súng bất chợt nổ ác liệt. Súng bắn liên thanh miệt dưới Chi Lăng rồi lan ra cả phía cầu Bông. Chị Ni chạy thục mạng từ cửa vào hốt hoảng: Cô ơi lính Mỹ rút rồi. Đánh tới dưới chân cầu rồi. Mẹ quyết định chạy theo lính Mỹ. Nhưng lính Mỹ đã biến mất. Toà binh đinh bỏ không. Trống hoác. Không còn ai trên tầng thượng chỉ còn trơ dẫy bao cát. Cánh cửa sắt mở toang phơi bày mặt đường ngổn ngang ba cái xác vẫn nằm đó, cạnh đoàn người chạy loạn từ bên kia Phú Nhuận băng qua cầu Kiệu tràn xuống Hai Bà Trưng. Ánh sáng sáng trưng. Ánh sáng đến nhức mắt. Chiến tranh phơi bày tất cả dữ dằn. Những sợi dây điện đứt, mấy chiếc xe hơi kính bể nát, một tấm biển quảng cáo thuốc lá Mélia thủng lỗ chỗ. Chúng tôi đứng líu ríu nép bên mẹ và u Đào. Ánh sáng nhức mắt vì chúng tôi ở trong bóng mờ quá lâu. Nhưng sau này tôi vẫn muốn nghĩ chính hình ảnh thật của chiến tranh làm chúng tôi nhức mắt chứ không phải ánh nắng. Chiến tranh làm đau đớn đôi mắt của người Việt, chứ không phải mặt trời. Sau này tôi nghĩ vậy. Khi ấy, K để ý lá cờ vàng ba sọc treo trước nhà sáng mùng một bị ai giật mất. Chị N thắc mắc anh Trình bên Pharmacie Dung có bị Việt Cộng bắt hay không. Sao cửa sắt bên đó im lìm hay họ bị Việt Cộng dẫn đi hết rồi. Mẹ hối chúng tôi nhập vào dòng người. Mẹ dặn: U và Ni nắm tay các em không được để lạc. Trường hợp lạc đưa các em đến dưỡng đường của bác sĩ Nguyễn Duy Tài trên đường Duy Tân, không được đến đâu khác. Nói là gia đình bà Bảo Lợi thầu cung cấp ở Vũng Tàu lúc trước. U nhớ không? U lắp bắp nhưng mẹ đã bắt u nắm chắc lấy tay tôi rồi hối cả nhà chạy theo đoàn người. Tôi bỡ ngỡ nhìn đường phố tôi vẫn đi học mỗi sáng. Mới hôm qua xác pháo còn đỏ thẫm. Mới hôm qua tôi đứng bịt tai xem K châm pháo. Pháo nổ ròn rã, ròn tan. Pháo đì đùng. Tôi say mùi pháo thơm ngát, túi ngập phong bao lì xì. Bây giờ đại lộ Hai Bà Trưng rách nát. Tôi nhìn hiệu thuốc cam hàng Bạc, hiệu uốn tóc Tân Hồng Kông, tiệm Hải Ký, tiệm bánh cuốn Thanh Xuân, tiệm kem Ngọc Lan, rạp hát Kinh Thành, tất cả hiện ra, tơi tả. Tất cả dị hợm đến kỳ dị. Mấy xe mì ngả chỏng chơ, sạp bánh cuốn bị ai lôi ra lề đường, hiệu ảnh Chí Mỹ bể kính, các tấm phông vẽ đoàn cải lương Dạ Lý Hương rách loang lổ, xe nước mía đầy vết đạn. Bảo sanh viện Lương Kim Vi chật cứng người. Rồi tôi không thấy gì nữa. Người lớn chen lấn tứ phía. Những thân người to lớn húc đẩy vây lấy chị em chúng tôi. Tôi nghe tiếng u Đào van vỉ, van xin mọi người đừng dẫm lên chúng tôi. Ông ơi cho các cháu đi qua. Nhưng u cũng bị lấn. Cuối cùng u cõng tôi lên lưng, một tay xách túi gạo, u đeo bao di vật quanh cổ. Trên lưng u, tôi thấy từng cuộn khói đen bốc lên từ phía rạp Kinh Đô. Đoàn người đông vô kể, bồng bế, gồng gánh, khuân vác, đi như chạy. Chập chập súng nổ từng tràng lớn. Tiếng súng lớn súng nhỏ lẫn lộn. Mỗi chập như vậy, mọi người co rúm lại, ngồi thụp xuống. Sau tiếng nổ lớn, là những tiếng hô hoán: Hoả tiễn 122 ly rớt trúng rạp Văn Hoa cháy rồi. Cháy ở Đa Kao. Việt Cộng đột kích trại Hoàng Hoa Thám. Trực thăng bay vần vũ về phía Thị Nghè. Một người nói Đi theo hướng trực thăng bên mình. Người khác chửi Đang đánh ở Thị Nghè, đi về hướng đó cho chết hả. Tiếng trẻ nít la thét, tất cả hỗn độn.

Súng nổ chát chúa. Đám đông lại rú lên nhốn nháo. Tôi bấu cứng lấy u vì sợ. Đột ngột từ đầu đoàn chạy loạn phát lên tiếng kêu mừng rỡ: Lính Cộng Hoà! Lính Cộng Hoà!

Tôi thấy mẹ chảy nước mắt. Tôi thấy u chảy nước mắt. Tôi thấy chị Ni mắt đỏ hoe và không hiểu vì sao anh em chúng tôi cũng khóc. Vì sự xúc động của người lớn. Tôi không rõ, nhưng bây giờ tôi hiểu, tôi khóc vì mẹ và u khóc. Vì những giọt nước mắt của mẹ mang những giọt nước mắt cho tôi. Vì nỗi lo của mẹ mang nỗi lo cho tôi. Vì niềm hân hoan của mẹ giành cho tôi. Vì u thương gia đình tôi và vì u đang khóc cho gia đình tôi may mắn. U nức nở Sống rồi mợ ơi. Sống rồi mợ ơi. Mẹ gật đầu Nhà mình sống rồi. Các con nín đi, nhà mình sống rồi.

Chúng tôi vẫn khóc trong mừng rỡ. Mẹ bảo nín nhưng mẹ vẫn ứa nước mắt. Tôi vừa thút thít vừa mở lớn mắt. Những người lính Biệt Động Quân đội mũ sắt vẽ hình đầu cọp vàng bước hàng một từ hướng nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi tiến xuống. Một đại uý đi đầu không ngớt khua tay: Đồng bào yên tâm, đồng bào yên tâm, Việt Cộng đã bị đánh bật ra khỏi quận Nhất. Tiểu đoàn chúng tôi xuống tăng cường quận Phú Nhuận. Đồng bào cứ tiến về phía trước, tiếp tục tiến về phía trước, sẽ gặp trạm y tế cứu trợ. Đừng chen lấn. Chính quyền quốc gia sẽ đánh bật Cộng Sản ra khỏi Sài Gòn. Đồng bào yên tâm, đồng bào yên tâm…

Một người lính Biệt Động Quân trèo lên cột đèn tháo cờ Mặt Trận Giải Phóng. Tất cả mọi người vẫn chảy nước mắt. Khóc cho tuôn hết những sợ hãi. Đại uý Hùng. Tôi còn nhớ bảng tên ông trên nắp áo. Ông đi qua trước mặt tôi, ông không ngớt lập đi lập lại: Đồng bào đi lên phía trước, có sữa, có thuốc men, có quân cảnh bảo vệ… Tôi nhìn ông đăm đăm. Sau này tôi biết, chiến tranh đã chụp bắt tôi từ trận Mậu Thân. Mặc dù tôi chỉ là một đứa bé, chiến tranh không tha thứ. Tôi biết mãi mãi chiến tranh sẽ chế ngự linh hồn mình, tàn phá huỷ diệt tâm tính mình, nhưng tôi cũng biết, một cách tiềm ẩn, chính chiến tranh trong buổi sáng ngày hôm ấy, buổi sáng mùng hai Tết Mậu Thân, đã định hình, đã dạy cho tôi biết phân biệt những khác biệt trong chiến tranh. Có những người lính giết hại, thủ tiêu, đập đầu, như sẽ diễn ra ngoài Huế, và có những người lính mà sự hiện diện đồng nghĩa với sự sống. Tôi mang những người lính này trong lòng như một di vật.

Chúng tôi an táng chú Sâm ở Bắc Việt Nghĩa Trang, trưa mùng bảy Tết.

TRẦN VŨ
(*) Tiếp theo Hiệp hội tương tế Bắc Việt Nghĩa Trang và Sàigòn ngày lạ mặt