Vào lúc dân di trú tiếp tục chết trong khi tìm cách vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi, Châu Âu cho biết muốn ngăn chặn luồng di trú này bằng cách nhắm mục tiêu vào những tay đưa người lậu. Tuy nhiên, các chuyên gia nói biện pháp đó sẽ gặp khó khăn vì mạng lưới rộng lớn của tội phạm có tổ chức kiểm soát việc đưa lậu. Từ Milan, thông tín viên Henry Ridgwell từng theo dõi bước đi của người di trú qua Châu Âu, gửi về bài tường thuật cho đài VOA.
In bóng lên nền trời vào lúc bình minh ở Địa Trung Hải, các tay buôn người lùa hàng chục dân di trú từ khắp Châu Phi và Trung Đông vào những chiếc thuyền bằng cao su thổi phồng trên một bãi biển hoang vắng ở Bắc Phi. Ra ngoài khơi, những người này sẽ được chuyển như những kiện hàng lên một chiếc tàu lớn hơn mà họ hy vọng sẽ đưa họ tới Châu Âu.
Trong những năm gần đây, hàng chục ngàn người di trú đã chết đuối, chết vì đói ăn và mất nước. Hành trình bằng tàu thuyền chỉ là một giai đoạn trong trong mạng lưới rộng lớn đưa lậu người bắt đầu từ nước xuất xứ.
Ông Andrea Di Nicola, giáo sư về tội phạm tại trường Đại học Trento ở Italia, đã đi khắp Châu Phi và Trung Đông để phỏng vấn những người có dính dáng đến mạng lưới đưa người lậu. VOA nói chuyện với chuyên gia này tại nhà ga Milan, một trung tâm chính của dân di trú.
Ông Nicola nói: “Giống như một hãng du lịch vô lương tâm. Họ làm việc trong các mạng lưới, và họ có thể liên kết với nhau. Và thậm chí nếu chúng ta đóng tuyến đường từ Libya, thì có thể họ sẽ hoạt động từ Tunisia hay Algeira hay từ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ rất cơ động và thay đổi.”
Châu Âu đã kêu gọi có hành động nhắm mục tiêu vào những tay đưa lậu người. Ông Riccardo Fabiani thuộc Tổ hợp Eurasia nói điều đó sẽ khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được.
Ông Fabiani cho biết: “Chẳng hạn như việc sử dụng máy bay không người lái để nhắm mục tiêu vào những người dính líu đến công cuộc đưa lậu người. Và mặt khác, Italia cùng các nước Âu châu khác có các mạng lưới tình báo ở Libya mà họ có thể dựa vào để lấy thông tin.”
Tuy nhiên, các tay đưa lậu người là một thành phần trong các tổ hợp tội phạm với số thu nhập khổng lồ, theo ông Di Nicola: “Liên Hiệp Quốc ước tính con số đó lên tới 10 tỷ đôla. Một anh chàng người Pakistan ở Italia đưa lậu 700 dân di trú và đòi mỗi người phải trả 7,000 euro.”
Gần đó, anh Mohammed đang dò bảng các chuyến đến ở nhà ga Milan. Anh đang chờ người chú, chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria và vượt Địa Trung Hải đến Châu Âu trên một chuyến tàu chở người lậu. Anh Mohammed đang cố gắng đi tìm ông chú.
Anh Mohammed nói: “Ông ấy sống gần trại tỵ nạn Yarmouk ở Damascus. Ai cũng rõ tình hình ở đó là rất nguy hiểm và khó khăn. Chúng tôi được tin từ Libya là ông ấy đã ra đi và tàu đã đến Châu Âu.”
Bất kể những liên hệ với các băng đảng tội phạm, rõ ràng là những tay đưa người lậu đang cung cấp một lối thoát ra khỏi Syria và những người khác đi trốn chạy xung đột. Theo ông Nicola, đó chính là lý do vì sao Châu Âu phải cải tổ chính sách di trú của mình.
Ông Nicola cho biết: “Nếu như ta siết chặt “Thành trì Châu Âu” thì có lẽ họ sẽ tăng giá cả; đây là điều mà các tay tội phạm này nói với chúng tôi. Vì thế để phá vỡ bọn chúng, ta cần có luật hình sự, ta cần phải điều tra, nhưng cũng cần phải ngăn chặn, giảm thiểu các cơ hội và đương nhiên, có các chính sách tốt hơn để hỗ trợ các nạn nhân.”
Châu Âu quyết tâm giải quyết những kẻ đưa lậu người, nhưng trong khi số tử vong ở Địa Trung Hải tăng cao, ngày càng có nhiều tranh luận về việc liệu châu lục này có nên mở các kênh an toàn hơn cho những người tỵ nạn hợp pháp trốn chạy chiến tranh hay không.