Trong một cuộc họp khẩn tại Brussels, lãnh đạo các nước thuộc Liên hiệp châu Âu đã cam kết tăng gấp ba ngân quỹ dành cho chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn các di dân tại Địa Trung Hải, cũng như trấn áp những kẻ buôn người. Thông tín viên Lisa Bryant ghi nhận thêm chi tiết về cuộc họp nhằm giúp xử lý một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt đồng thuận về một kế hoạch 4 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di dân, trong đó có việc bắt giữ và phá hủy tàu thuyền của những kẻ buôn người cũng như tăng mạnh ngân khoản dành cho chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ có tên là Triton tại Địa Trung Hải.
Tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh hôm qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk người Ba Lan, quốc gia hiện nắm giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu, nói rằng châu Âu không gây ra một thảm kịch mà hàng trăm di dân bất hợp pháp đã thiệt mạng trên biển trong năm nay.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi thờ ơ. Chúng tôi đang đối mặt với một mùa hè khó khăn và chúng tôi cần phải sẵn sàng hành động”.
Ông Tusk nói rằng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đồng ý ngăn chặn tình trạng di dân bất hợp pháp, bảo vệ người tị nạn và khuyến khích việc đưa các di dân khỏi các quốc gia được coi là ở trên tiền tuyến như Ý tới các quốc gia EU khác trên cơ sở tự nguyện.
Liên hiệp châu Âu đã bị chỉ trích gay gắt vì không hành động đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân ở Địa Trung Hải. Ngay cả trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, tổ chức thúc đẩy nhân quyền Ân xá Quốc tế đã chỉ trích các biện pháp được mang ra thảo luận là “thiếu sót một cách thậm tệ”.
Chính Chủ tịch Ủy hội Âu châu Jean-Claude Juncker cũng bày tỏ sự thất vọng về các kết quả. Ông nói rằng ông đã hy vọng kết quả đạt được sẽ mỹ mãn hơn. Nhưng ông nói điều đó cũng giúp các quốc gia trong khối suy nghĩ thêm trong những tuần tới.
Hội nghị thượng đỉnh được triệu tập sau khi hàng trăm người bị chết đuối tại Địa Trung Hải hôm Chủ Nhật vừa qua sau khi thuyền chở họ bị lật.
Trước khi diễn ra hội nghị, các giới chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc cũng như các giới chức phụ trách di dân khác đã kêu gọi EU vượt ra ngoài khuôn khổ của cách tiếp cận “tối giản” đối với vấn đề di dân bất hợp pháp. Các chuyên gia cho rằng các vấn đề rộng lớn hơn như nghèo đói và xung đột tại các nước của những người di dân cũng cần phải được xem xét.