Với việc đề cử ông Marco Rubio, vốn có đường lối cứng rắn với Trung Quốc, làm ngoại trưởng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã báo hiệu chính sách của ông đối với Bắc Kinh có thể vượt ra ngoài khuôn khổ thuế quan và thương mại để tiến đến lập trường diều hâu hơn đối với Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược chính của Mỹ.
Ông Rubio được lựa chọn hôm 13/11 bên cạnh các lựa chọn nội các khác có thể khiến Trung Quốc khó chịu, chẳng hạn dân biểu Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia và John Ratcliffe lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Các lựa chọn cho thấy ông Trump muốn đảo ngược cách tiếp cận của chính quyền Biden là ‘quản lý cạnh tranh’ với Bắc Kinh về các vấn đề từ ủng hộ Đài Loan cho đến vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng fentanyl của Mỹ.
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích lập trường của ông Biden là quá hòa giải.
Ông Rubio ‘tin từ tận đáy lòng rằng Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ’, ông David Firestein, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ chuyên về Trung Quốc, nói. “Điều đó sẽ là lăng kính cho những gì ông ấy làm đối với Trung Quốc.”
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hôm viết trên X hôm 14/11: “Hết sức trân trọng sự ủng hộ kiên định của ngài đối với Đài Loan và những nỗ lực không mệt mỏi của ngài để bảo vệ tự do và nhân quyền trên toàn cầu.”
Trump đã cam kết chấm dứt quy chế thương mại tối huệ quốc của Trung Quốc và áp thuế hơn 60% lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc – cao hơn nhiều so với mức thuế mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Ông Rubio gần như chắc chắn sẽ được Thượng viện phê chuẩn. Ông hiện là thành viên cao cấp của cả ủy ban đối ngoại và tình báo.
Sự ủng hộ kiên định của Thượng nghị sỹ gốc Cuba có lập trường chống cộng này đối với những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã khiến ông bị Trung Quốc trừng phạt vào năm 2020.
Đây sẽ là lần đầu tiên Bắc Kinh có những hạn chế đi lại hiện hành đối với ngoại trưởng Mỹ, thử thách đầu tiên về cách Bắc Kinh can dự với chính quyền mới của Trump.
Về phần mình, ông Rubio là người cổ súy Mỹ cấm thị thực các quan chức Trung Quốc và thúc đẩy Bộ Ngoại giao cấm Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu đến San Francisco để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC hồi năm 2023.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận về các biện pháp trừng phạt ông Rubio hay việc đề cử ông, nhưng phát ngôn nhân Lưu Bằng Vũ nói Bắc Kinh hướng đến làm việc với chính quyền mới của Mỹ để thúc đẩy quan hệ hai nước ‘theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững’.
Hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, vấn đề giằng co giữa hai nước, đã trở thành mối quan tâm chính của ông Rubio.
Ông đã đồng tài trợ cho Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, vốn tạo cho chính phủ Mỹ công cụ để cấm hàng nhập khẩu của Trung Quốc vì lo ngại vi phạm nhân quyền đối với các nhóm Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc, cáo buộc khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Các nhà hoạt động Hong Kong xem ông Rubio, người tài trợ cho các đạo luật như Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019, là người tranh đấu cho lý tưởng của họ.
“Chúng tôi rõ ràng rất phấn khích và hướng đến làm việc với ông ấy về những vấn đề này,” ông Frances Hui, nhà hoạt động ở Washington thuộc Ủy ban vì Tự do thuộc tổ chức Hong Kong Foundation, cho biết.
Ông Rubio cũng đã đề xuất một dự luật hiện đang được xem xét vốn cho phép Ngoại trưởng Mỹ tước chứng nhận các văn phòng kinh tế và thương mại của Hong Kong tại Mỹ.
Ông đã nói rằng quyền tự trị của Hong Kong trước Bắc Kinh gần như bị xói mòn hoàn toàn có nghĩa là vùng lãnh thổ này không xứng được hưởng các đặc quyền riêng rẽ.
Không rõ ông Trump, người đôi khi ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ cho phép ngoại trưởng mới của mình quyền tự do hành động đến đâu trong việc áp dụng các chế tài đối với Trung Quốc, nhất là những hạn chế xung đột với các mục tiêu khác của chính quyền ông.
“Dàn nhân sự đối ngoại của Trump rõ ràng là diều hâu đối với Trung Quốc, nhưng có thể được tin tưởng là sẽ tuân theo tổng thống nếu ông chuyển từ đối đầu với Bắc Kinh sang đàm phán,” ông Daniel Russel thuộc Asia Society Policy Institute cho biết.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận thương mại sau một loạt đợt đánh thuế ăn miếng trả miếng, nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đã không tuân thủ các cam kết của mình.
Ông Rubio cũng tập trung vào Trung Quốc như là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Ông dẫn đầu các lời kêu gọi đưa công ty pin công nghiệp CATL của Trung Quốc vào danh sách đen, thu hồi thuế suất lợi tức vốn đối với các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc và lấp các lỗ hổng thuế quan đối với các gói hàng nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc, nhiều gói trong số đó được sử dụng để vận chuyển hóa chất là tiền chất tạo fentanyl.
Có lẽ điều khiến Bắc Kinh khó chịu nhất là việc ông Rubio ủng hộ Đài Loan bao gồm cả những lời kêu gọi về thỏa thuận thương mại tự do và sự can dự không giới hạn giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.
Các nhà phân tích dự đoán Đài Loan sẽ có thêm những hợp đồng lớn mua vũ khí Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phê duyệt hơn 18 tỷ đô la giá trị vũ khí bán cho Đài Loan, so với 7,7 tỷ đô la mà ông Biden phê duyệt.
Một số nhà phân tích tin Bắc Kinh có thể tìm cách qua mặt ông Rubio và tìm kiếm sự can dự trực tiếp giữa ông Tập và ông Trump, hoặc với các quan chức cấp cao khác của Mỹ.
“Nếu điều đó không có tác dụng, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến mối quan hệ tồi tệ leo thang thường xuyên hơn,” ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) của London, cho biết.