Để có tư tưởng tự do

Quảng trường Thiên An Môn năm 1989: Người đạp xe kéo cùng người bên đường đưa người bị thương đi bệnh viện sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp.

Quảng trường Thiên An Môn năm 1989: Người đạp xe kéo cùng người bên đường đưa người bị thương đi bệnh viện sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp.

Đọc lịch sử Trung Quốc, nhất là từ các biến cố đưa đến Phong trào Ngũ Tứ cách đây đúng 100 năm, rồi sự hình thành Đảng Cộng Sản Trung Quốc, rồi đến thời đại Mao Trạch Đông và gần nhất là thời đại Tập Cận Bình, chúng ta thấy gì?

Thấy một nền văn hóa chính trị vẫn mang tính độc tài toàn trị xuyên suốt. 100 năm nhìn lại, Trung Quốc tất nhiên đã thay đổi sâu sắc, như mọi quốc gia khác trên toàn thế giới. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc với nền kinh tế và quân sự chỉ sau Hoa Kỳ, và có khả năng qua mặt để trở thành siêu cường kinh tế trong một hai thập niên tới. Nhưng bản chất văn hóa chính trị của Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là một văn hóa chính trị không chấp nhận quyền con người, quyền tự do cá nhân. Các nếp suy nghĩ, nếp sống, truyền thống và các thang giá trị hàng ngàn năm trước vẫn còn ảnh hưởng, không dễ gì mất đi, mặc dầu được tiếp cận với các nguồn văn minh khác nhau. Ảnh hưởng của Khổng/Nho giáo như vẫn ăn sâu vào tâm khảm, vào trong máu của họ. Hiển nhiên Khổng giáo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng hôm nay và trong thời gian tới, nhất là khi nó nằm trong một sách lược mà chế độ cai trị hôm nay xem như là một trong các hộp đồ nghề để khai dụng.

Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore (và rất tiếc, Việt Nam Cộng Hòa) thì vào những lúc ban đầu, các thể chế dân chủ vẫn mang đậm các nét độc tài hoặc/và gia đình trị, vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo, mặc dầu các cơ chế dân chủ cơ bản đã được hình thành. Nhưng nhờ có nền tảng dân chủ này, trong đó có tam quyền phân lập, có nền pháp quyền, với các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và bầu cử, các sinh hoạt xã hội dân sự vốn đa dạng nên có cơ hội phát huy mạnh mẽ. Sự tăng trưởng kinh tế và sự hình thành một giai cấp trung lưu vững sau một thời gian đã giúp cho người dân hiểu rõ lợi ích và quyền hạn của mình, và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ nó. Nói chung dân trí, dân khí và dân sinh, nói theo ngôn ngữ của cụ Phan Châu Trinh, đã là nền tảng để chuyển hóa xã hội từ văn hóa chính trị phong kiến, bảo thủ, độc tài sang văn hóa đa nguyên, cấp tiến và dân chủ qua tiến trình tiệm tiến nhưng ổn vững. Trên hết, nhờ có nền tảng cơ bản nên sự vận động và đấu tranh trong các xã hội này không bao giờ ngừng nghỉ, ngay cả ngày hôm nay, để ngày một tiến bộ hơn, bình đẳng hơn, và công bằng hơn. Chính vì thế mà các quyền con người, quyền cá nhân và riêng tư, sau một thời gian, đã dần dần đi vào lĩnh vực văn hóa xã hội, văn hóa kinh tế và văn hóa chính trị tại các nước này (Singapore tuy giàu có nhưng vẫn chưa được dân chủ như các quốc gia kia).

Trong khi đó, tại Trung Quốc, truyền thống chính trị xưa nay là không hề chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, và không chấp nhận cá nhân đứng trên tập thể, mặc dầu trên thực tế thì trong suốt chiều dài lịch sử của họ luôn có một vài cá nhân đứng trên đầu trên cổ hàng trăm triệu đến cả tỷ người khác. Đó là điều mâu thuẫn của nền văn hóa chính trị còn mang nặng tư tưởng Khổng giáo này. Trong khi đó, trung điểm của nền dân chủ cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân; nhưng không hề có sự cai trị độc tài, tàn ác như đã xảy ra ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tất cả đều phải được người dân tín nhiệm để lãnh đạo đất nước cho đến khi nào hết thời hạn cho phép trong hiến pháp, hoặc không còn được người dân tín nhiệm nữa.

Các ý niệm phổ quát về nhân quyền thì được giới cầm quyền Trung Quốc xem là du nhập của Tây phương, là độc hại cho sự phát triển và cho sự hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác – Lê, cũng từ Tây phương không kém, thì không hề được xem như thế! Rất tiếc, những người lãnh đạo ban đầu của Phong trào Ngũ Tứ lại đi chọn chủ nghĩa Mác Lê chỉ đạo cho cuộc đấu tranh cứu lấy Trung Hoa của họ. Nghĩa là họ ý thức chọn chủ nghĩa cộng sản bao bọc chủ nghĩa quốc gia. Thật ra những người cộng sản quốc tế ở mọi nơi đều mang hai ý thức hệ song song: vừa cộng sản vừa quốc gia. Hai ý thức hệ này tuy mâu thuẫn nhưng trên thực tế thì không. Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro hay gia đình ba giòng họ Kim tại Bắc Hàn v.v… xưa nay đều có cả hai. Họ đều sử dụng chủ nghĩa Mác Lê như là công cụ tư tưởng vì có lẽ tin rằng nó giải quyết được bài toán quốc gia của mình. Lê Nin hay Stalin cũng dùng nó để cứu lấy Nga và phát triển Nga thành Liên Bang Xô Viết nhưng mục tiêu là cho dân tộc Nga là chính. Tất nhiên trên bề mặt họ phải chứng tỏ là người cộng sản quốc tế chân thành về mặt ý thức hệ, nhưng các vấn đề chính trị quốc gia và địa phương vẫn là ưu tiên trong các chính sách quốc gia hay hành động của họ.

Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê, tốt nhất, cũng chỉ là một nền dân chủ tập trung đối với cơ chế độc đảng của họ (trong nội bộ), và tệ nhất, là sự sùng bái cá nhân (lên toàn dân tộc) hầu như mọi nơi nó dung nạp. Stalin, Mao, Hồ, Kim (x3), Castro, Pol Pot v.v… nắm mọi quyền sinh sát trong tay. Khi không có những cá nhân mạnh mẽ này thì lúc đó tập thể sẽ lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo nhưng không ai chịu trách nhiệm gì cả, nhất là đối với các chính sách và quyết định sai lầm của mình. Mọi nơi có chủ nghĩa này du nhập đều trở nên hư hỏng lớn là vì lắm kẻ bòn rút phá hoại nhưng ít người, nếu không phải là cản trở những người, muốn đóng góp xây dựng.

Tóm lại, văn hóa chính trị Trung Hoa ngàn xưa đến nay vẫn chủ yếu phong kiến và độc tài, rồi du nhập và kết hợp thêm với chủ nghĩa Mác Lê một cách triệt để. Vẫn có những người yêu chuộng và thao thức các tư tưởng chính trị dân chủ cấp tiến, nhưng họ vẫn là thiểu số và không nắm thực quyền, nên sau đó bị loại trừ, đàn áp thẳng tay, như biến cố Thiên An Môn. Thế hệ trẻ ngày nay thì bị bưng bít và tuyên truyền qua truyền thông và chính sách giáo dục yêu nước. Cho nên hậu quả ngày nay là thế. Trung Quốc đã liên tục phát triển về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, ngoại trừ dân chủ hóa chính trị. Và cái giá người Trung Quốc phải trả là ông Tập, và những cá nhân mạnh mẽ khác sau ông, sẽ làm Chủ tịch vô hạn định, mà như thế thì sự chuyển giao quyền lực về sau này có nguy cơ bất ổn, các quyền dân sự và chính trị thì bị gạt qua một bên, và nhân quyền nói chung bị chà đạp thẳng tay.

Các tư tưởng và hoạt động chính trị tại Trung Quốc luôn có những tác động mạnh mẽ lên giới trí thức và hoạt động Việt Nam xưa và nay. Vào thời điểm gần 100 năm trước, chủ nghĩa Tam Dân và trào lưu Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, cũng như các tư tưởng và hoạt động của Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế tại Trung Quốc và các trào lưu xã hội chủ nghĩa, đã có những tác động sâu sắc lên giới trí thức và giới hoạt động tại Việt Nam, cả phía quốc gia lẫn cộng sản. Mãi cho đến hôm nay, rất tiếc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thay vì học hỏi những cái hay cái mới và khoa học của các nền văn minh tiến bộ thì họ vẫn dò dẫm theo con đường của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.

Cách đây hai tuần, tôi có trao đổi với một bạn trẻ, một nhà hoạt động, từ Việt Nam. Bạn ấy có kiến thức, lý luận và lập trường vững, và tất nhiên có tư duy bài Trung Quốc mạnh mẽ. Bạn có gửi tôi bài viết dùng lịch sử để phân tích hướng đi của mình và hỏi tôi nghĩ gì. Bài viết trích dẫn các nhân vật lịch sử Trung Quốc khá nhiều. Đọc xong thấy vừa buồn vừa thương cho bạn trẻ. Tôi hỏi bạn tại sao không viện dẫn các nhân vật trong lịch sử Việt Nam hay thế giới, đâu phải khan hiếm gì, mà còn xác thực hơn, bởi vì các cuốn sử Trung Quốc, kể cả Tam Quốc Chí, đều mang rất nhiều tính hư cấu trong đó. Bạn nói “Vâng, em vẫn biết thế anh ạ, nhưng em vẫn chưa biết làm sao xóa sạch tư duy này! Chắc cần vài thế hệ, nếu ý thức.”

Con đường thoát Trung Cộng, nghĩa là thoát Trung Quốc lẫn Cộng Sản, là phải có một tư duy/tưởng mới. Muốn độc lập tự do thật sự thì phải dứt khoát với tư duy lệ thuộc, với các tư tưởng đã xiết cổ dân tộc Việt Nam bao ngàn năm qua. Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, nên các tư tưởng văn hóa chính trị của họ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Một người chỉ có thể nhận ra được điều này khi đứng ở bên ngoài nhìn vào, được trang bị bằng những tư duy và lăng kính khác, hoặc có được ý thức tự giác và phản ánh cao độ.

Bao nhiêu người trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba có thể phát triển được những đức tính cao quý như bao nhiêu người khác trong xã hội văn minh mà họ đang sống: tự tin, tự tôn, công bằng, cam kết, trách nhiệm, đạo đức, liêm chính, chăm chỉ, nhẫn nại v.v… Họ có biết về tư tưởng hay lịch sử chính trị Trung Hoa hay không không quan trọng, và nó cũng không thay đổi bao nhiêu tài năng và khả năng lãnh đạo của họ. Tất nhiên hiểu về lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, hay thế giới đều rất cần thiết để mỗi người tự rút ra bài học cho chính mình, nhất là trong vai trò lãnh đạo. Nhưng nhờ nền giáo dục nhân bản, toàn diện về con người, và nhờ sự đề cao nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì, và không sợ thất bại, nên ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào những người có tri thức, tư duy và kỹ năng này cũng thành công (ngoại lệ là chế độ độc tài).

Nói cách khác, con đường để xóa bỏ xiềng xích, để thoát Trung thoát Cộng, để có được độc lập, tự do và tự chủ cho mỗi người, chứ không phải cho bất cứ chế độ chính trị nào, là đầu tiên phải ý thức được các tư duy lệ thuộc đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, và sau đó nỗ lực đi tìm hiểu con đường dân chủ cấp tiến (liberal democracy) mà Hoa Kỳ và các nền dân chủ Tây phương đã đi qua. Nó thích hợp cho mọi dân tộc khát khao tự do vì nó đứng trên nền tảng của cá nhân để cùng nhau có tinh thần trách nhiệm xây dựng xã hội, đất nước, thay vì bị một tập thể ngu dốt kiềm hãm mọi sự phát triển của những tài năng dân tộc. Nó cũng không hề là chủ nghĩa lai căng du nhập cốt để phá hoại nền văn hóa và truyền thống dân tộc như bị tuyên truyền. Nhưng cái mà nó sẽ phá là những cá nhân và chế độ độc tài muốn tiếp tục cưỡi lên đầu lên cổ người dân dưới các chiêu bài dân túy mị dân.

Chúng ta có thể học hỏi trực tiếp từ các bài học dân chủ hóa thành công của các dân tộc khát khao tự do trên thế giới, không cần phải đi qua bất cứ trung gian nào. Đó là điều mà người dân Việt Nam, Trung Quốc, hay bất cứ dân tộc nào, muốn được tự do cũng phải làm. 100 năm, năm thế hệ với bao nhiêu đắng cay tủi nhục, hy vọng giúp chúng ta nhìn thấy được bài học và con đường phải đi và nỗ lực cần phải bỏ ra để đạt được mục tiêu. Thế hệ thanh niên sinh viên thường có lý tưởng và muốn dấn thân trong mọi thời đại. Và họ đang có dấu hiệu chuyển mình như thế tại Việt Nam. Họ sẽ làm nên lịch sử nếu được sự thương yêu, tín nhiệm và hỗ trợ bằng nguồn lực trí tuệ và phương tiện.

(10/05/2019)