Ngày 4 tháng Sáu năm nay đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn đã có kế hoạch để đối phó với mọi tổ chức hay cá nhân nào dám công khai tưởng niệm biến cố này, điều mà họ đã từng làm trong suốt 29 năm qua.
Nhưng một biến cố lịch sử có thể nói là trọng đại hơn, gây nhiều tranh cãi hơn, có liên hệ mật thiết đến biến cố Thiên An Môn 4 tháng Sáu 1989, đã xảy ra và tiếp tục ảnh hưởng lên tư duy của bao nhiêu thế hệ Trung Quốc trong suốt 100 năm qua, là biến cố 4 tháng Năm (Wusi, May Fourth, tức năm bốn, hay ngũ tứ), năm 1919. Biến cố này sau này có tên là Phong trào Ngũ Tứ (May Fourth Movement). Phong trào này đã đánh thức toàn xã hội Trung Quốc, hay nói đúng hơn, thức tỉnh giới tinh hoa Trung Hoa trước và từ đó lan rộng ra toàn xã hội, và dẫn đến sự hình thành Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không lâu sau đó.
Nhân dịp kỷ niệm năm nay, ông Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ Trung Quốc hôm nay phải yêu tổ quốc, vâng lời và làm theo Đảng. Ông Tập cũng khuyến khích họ học hỏi Phong trào Ngũ Tứ, và không quên nhấn mạnh rằng những ai không yêu nước, và những ai gian dối và phản bội lại tổ quốc, là một sự ô nhục trong mắt của đất nước và thế giới.
Tuy thế, tại sao Tập Cận Bình nói riêng, ĐCSTQ nói chung, vẫn tỏ ra e ngại và dè dặt trong việc tổ chức ăn mừng lẽ ra là ngày tái sinh, hay phục hồi, hay ngày mà phong trào muốn khẳng định lại chủ quyền, quyền tự quyết và tự hào Hán tộc?
Đó là vì tính phức tạp và mâu thuẫn của biến cố lịch sử này. Bởi qua biến cố này, những người am hiểu lịch sử trung thực, không phải lịch sử bị bóp méo hay viết lại bởi ĐCSTQ, nhìn thấy được xuyên suốt sự dối trá và phản bội của nhà nước Trung Quốc hiện nay, cũng như bảy thập niên qua.
Theo nhà văn/báo Dan Xin Huang và sử gia Jeffrey N. Wasserstrom, thì 100 về trước, vào tối đêm ngày 3 tháng Năm 1919, một nhóm sinh viên tụ tập lại trong một giảng đường vắng trong trường đại học Bắc Kinh. Thế Chiến I chấm dứt nửa năm về trước, nên một hội nghị giữa các phe đồng minh thắng cuộc họp tại Versailles để đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Trung Quốc là một thành viên của phe đồng minh nhưng cảm thấy mình đã bị “phản bội” vì Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã quyết định dành phần lãnh thổ đang được tranh chấp với Nhật, tỉnh Shandong, về phía Nhật, không có tiếng nói của Trung Quốc trong quyết định này. Thông tin về quyết định này đã đến Trung Quốc sáng ngày 2 tháng Năm 1919. Sự sỉ nhục này và mối quan ngại cho sự tồn vong của quốc gia này đã đưa đến cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 4 tháng Năm để “Cứu nước Trung Quốc”. Cứu Trung Quốc trở thành điều quan trọng nhất trong trí óc của tầng lớp ưu tú và có học thời đó.
Ba ngàn sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau tuần hành đến quảng trường Thiên An Môn để phản đối kết quả tồi tệ của Hiệp ước Versailles. Một số bị đánh đập, bắt bớ, làm cho cuộc biểu tình lan rộng sang nhiều thành phố khác, nhưng sau khi cuộc tổng đình công được kêu gọi, các sinh viên này được trả tự do. Biến cố này làm thức tỉnh mọi tầng lớp Trung Quốc đã ngủ quên bấy lâu nay, về văn hóa lẫn chính trị, và trở thành biểu tượng của sự ra đời một nước Trung Quốc hiện đại. Kể từ đó, biến cố này là sự nhắc nhở sâu sắc và đáng kể về các luồng tư tưởng chính trị đa nguyên, một thời “trăm hoa đua nở” của sự mở rộng cấp tiến, mà được các sử gia ví như là “Khai sáng Trung Hoa”. Nó được xem như cái nôi của tầng lớp trí thức mới, sự hình thành chủ nghĩa dân tộc, và sự mở rộng ra bên ngoài.
Theo Dan Xin Huang thì thật ra, các hạt mầm đưa đến biến cố này đã xảy ra một thập niên về trước. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ nhà văn và học giả được đào tạo tại Nhật và Tây phương đã ra nước ngoài tìm các thiết bị mới để cải cách nước nhà. Đầu thập niên 1910, khi trở về nước, họ đã thiết lập hàng trăm nhật ký và tạp chí và đặt hầu như mọi tên gọi đính kèm với chữ mới, từ Văn học Nghệ thuật Mới, đến Thanh niên Mới v.v… Cái gì cũng mới. Họ tạo thành một Phong trào Văn hóa Mới. Nhờ sự chuẩn bị về tư duy, tư tưởng mới, văn hóa mới này, mà sinh viên mới châm ngòi cho cuộc tuần hành ngày 4 tháng Năm, và đã phần nào đó thống nhất được các khuynh hướng suy nghĩ rời rạc, khác nhau thành thống nhất theo cái gọi là chủ nghĩa dân tộc. Tuy thế, mục tiêu trong phong trào cũng khác nhau. Có người chủ trương vận động để có tự do chính trị nhiều hơn. Có người tấn công vào di sản Khổng giáo như một hệ tư tưởng chi phối toàn quốc gia. Có người đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc. Và cũng có xu hướng đề cao “Khoa học” và “Dân chủ”. Nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung: cứu lấy Trung Hoa.
Từ phong trào yêu nước này, một nhóm sinh viên tại đại học Bắc Kinh nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hay các nhà Mác xít, được động viên bởi cuộc Cách mạng Nga, đã bắt đầu phát tán thông tin về đấu tranh giai cấp và cách mạng trên bình diện toàn quốc. Được sự hỗ trợ của Đệ Tam Quốc Tế, khoảng một tá nhà Mác xít tụ tập tại Thượng Hải vào tháng Bảy 1921, để thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Một trong các đại biểu có mặt dịp này là Mao Trạch Đông, người mà trước đó theo xu hướng vô chính phủ (anarchism), để bắt đầu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lê. Hai người chủ chốt khác là Chen Duxiu và Li Dazhao, từng lãnh đạo cuộc biểu tình 4 tháng Tư 1919 trước đó. Tóm lại, lịch sử hình thành ĐCSTQ có nguồn gốc từ Phong trào Ngũ Tứ, mà lịch sử chính thức của ĐCSTQ ghi nhận là “đánh thức ý thức dân tộc Trung Quốc”, và “chuẩn bị các điều kiện căn bản cho sự hình thành ĐCSTQ”. Chính tâm thức này đã giúp đưa đến sự chiến thắng của phe cộng sản đối với phe quốc gia của Tưởng Giới Thạch, hình thành nhà nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông vào năm 1949, tức 30 năm sau.
Những cuộc thử nghiệm của Mao sau đó, từ cách mạng văn hóa, đến chính sách Đại Nhảy Vọt v.v… vào thập niên 1940 và 1950, đã là thảm họa tàn khốc mà không cần nói thêm ở đây. Chưa hết, Mao lại tiến hành cuộc cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại khác vào năm 1966 để tẩy sạch tàn dư của các thế lực “phản động”, loại trừ các lãnh đạo hàng đầu của đảng và thành viên các gia đình sinh viên, đập tan bốn cái cũ hủ lậu: suy nghĩ cũ, truyền thống cũ, thói quen cũ, văn hóa cũ. Trong các cuộc cách mạng và thanh trừng này, hành triệu người là nạn nhân, trong đó có cả gia đình Tập Cận Bình. Bố ông Tập Xi Zhongxun (1913–2002) xuýt bị giết hại năm 1935, bị thanh trừng năm 1962, bị tra tấn trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và bị cho về hưu năm 1987. Chị (cùng cha khác mẹ) ông Tập bị dằn vặt đến độ phải tự tử. Chính ông Tập cũng bị gửi về vùng thôn quê để lao động cùng với nông dân. Vì khổ cực quá mà ông đã tìm cách chạy trốn nhưng đã bị bắt và bị trả về lại chỗ cũ.
Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, đề ra các chính sách cải tổ sâu rộng, và công nhận 4 tháng Năm là “phong trào giải phóng tư tưởng” trong thời đại mới vào năm 1978. Kể từ đó những người cấp tiến tại Trung Quốc đã đề cao tinh thần 4 tháng Năm là dân chủ và khoa học. Họ thường xương tập họp tại tại một nơi ở trung tâm Bắc Kinh, đặt tên nó là bức tường dân chủ, vào các năm 1978 và 1979, lên án các chính sách trong thời đại của Mao và cách cai trị độc tài, và kêu gọi cải cách sâu rộng. Đến cuối năm 1979, đảng bắt đầu lo lắng nên bắt bớ các lãnh đạo phong trào. Vì không phê bình được đảng nên họ đổi chiến thuật sang phê bình các truyền thống xưa như là nguồn gốc của những thứ bệnh hoạn của Trung Quốc. Phong trào vẫn tiếp tục phát triển như “cơn sốt văn hóa”. Các sinh viên du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác trở về thành lập các nhóm đọc sách với nhau tại trường đại học Bắc Kinh, gọi tắc là “Beida”, cũng như tại nhiều trường đại học khác. Họ nghiên cứu học hỏi các tư tưởng trào lưu Tây phương như các triết gia Hayek và Heidegger, Nietzsche và Weber. Một nhà hoạt động Wang Dan phổ biến bài viết tựa đề “4 tháng Năm Mới”, và vào tháng Tư năm 1989, biện luận rằng “họ Đặng đã thiết lập các vùng đặc biệt để phát triển kinh tế, trường đại học nên phục vụ như là địa bàn đặc biệt để cổ võ dân chủ hóa chính trị”.
Vào ngày 4 tháng Năm 1989, sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và công bố “Tuyên ngôn 4 tháng Năm Mới”, kêu gọi mọi người biểu tình “mang tinh thần khoa học và dân chủ của tháng Năm về phía trước”. Một tháng sau, cuộc biểu tình đã bị quân đội ở các nơi khác gửi về và xe tăng đàn áp thô bạo. Những gì xảy ra kể từ 4 tháng Sáu đã là lịch sử mà nhiều người đã biết đến, ngoại trừ các thế hệ sinh trưởng sau này do sự bưng bít và do nền giáo dục và thông tin dưới sự toàn trị của ĐCSTQ.
Theo Dan Xin Huang thì năm 2019 đánh dấu hàng loạt kỷ niệm các biến cố chính trị: 10 năm kể từ cuộc bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Urumqi; 20 năm kể từ sự đàn áp Pháp Luân Công; 60 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma bị lưu đầy khỏi Tây Tạng; 30 năm biến cố Thiên An Môn; và 100 năm phong trào Bốn tháng Năm. Trpng thời gian qua, chính quyền Tập Cận Bình đã cho cài đặt đủ loại máy quay phim khắp trường đại học Bắc Kinh, xây dựng mạng lưới theo dõi báo cáo, xếp đặt nhân sự thân đảng làm chủ tịch sinh viên. Ngoài ra họ tước hết mọi nguồn động viên từ 4 tháng Năm và làm sạch các hệ lụy trước đây để trở thành các điểm nói chuyện cho đảng. Họ thực hiện các khảo sát trong trường đại học Bắc Kinh để xem thử sinh viên nghĩ gì về lãnh đạo “tài tình” như Tập, và phản ứng ra sao với nhận định “nền dân chủ Tây phương và dân chủ đa đảng không phù hợp với Trung Quốc”. Dù với các biện pháp bạo ngược như thế, nhà nước Trung Cộng vẫn không dập tắc được ngọn lửa và khát vọng của giới trẻ. Vẫn bao nhiêu sinh viên tại đại học Bắc Kinh bị giam cầm, bị bắt im lặng, và nhiều sinh viên và cựu sinh viên tại đây và khắp Trung Quốc đã đột nhiên biến mất. Điều oái ăm là nhiều người trong số này, kể cả sáu sinh viên theo chủ nghĩa Mác xít nhưng họ là người phê phán các điều kiện lao động tại Trung Quốc, đấu tranh cho quyền công nhân, lại bị giam cầm và biến mất.
Chen Duxiu, Tổng Bí Thư và đồng sáng lập viên của ĐCSTQ, vì từng xung đột với Mao Trạch Đông nên sau đó đã bị mất khỏi chức vụ này năm 1927. Hai năm sau ông Chen bị trục xuất khỏi đảng chỉ vì kêu gọi dân chủ hơn trong đảng. Năm 1942 ông Chen chết tại vùng thôn quê mà chẳng ai nhớ đến. Sau khi Mao chết, ông Chen được phục hồi như một biểu tượng của lòng yêu nước. Tuy thế, không phải vì thế mà tin rằng ông Chen muốn cổ võ cho nền dân chủ kiểu Tây phương, dân chủ cấp tiến. Ông Chen Duxiu và Li Dazhao đều là đồng sáng lập viên của ĐCSTQ, và đều là nhân vật chính của Phong trào Ngũ Tứ. Nhưng hai ông không nghiên cứu và lĩnh hội các tư tưởng dân chủ cấp tiến Thời đại Khai sáng bên Tây phương hay cuộc cách mạng Hoa Kỳ hay mà chủ yếu trông chờ vào Các Mác để dẫn đường.
Jeffrey N. Wasserstrom kết luận rằng cuối tuần qua, các lễ kỷ niệm chính thức đã diễn ra khắp Trung Quốc để đánh dấu 100 năm tinh thần của sinh viên năm 1919, dưới sự bảo trợ của các lãnh đạo quốc gia mà đại diện cho chính sách và giá trị từng bị giới sinh viên 100 năm trước đã phản đối. Họ dường như không nhận ra rằng tinh thần đích thực của Ngũ Tứ vẫn còn sống mãi.
Còn Dan Xin Huang thì kết luận: “100 năm trước những người trẻ lý tưởng Trung Quốc đã sát cánh nhau gióng lên để đánh động lương tâm quốc gia. Ngày nay, những người thừa kế họ đối diện với sự bị xóa bỏ (thủ tiêu)”.
Điều kinh hoàng nhất qua biến cố lịch sử này có lẽ là sự lường gạt, phản bội, trí trá lẫn nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi chính một nạn nhân như Tập Cận Bình lại trở nên thủ phạm khắc nghiệt. Khổng giáo và Mao Trạch Đông được mang trở lại và được đề cao trên bình diện quốc gia và quốc tế. Trong khi hàng chục triệu sinh linh vô tội đã là nạn nhân của trò chơi vương quyền đó.
(08/05/2019)
Tài liệu tham khảo:
Bài này được dựa trên các bài viết và tài liệu chính sau đây:
1. Jiayang Fan, “Xi Jinping Tries to Crash the May Fourth Movement’s Centenary”, The New Yorker, 4 May 2019.
2. Dan Xin Huang, “The Chinese Enlightenment at 100”, Foreign Affairs, 3 May 2019.
3. Ankit Panda, “The Legacy of China's May Fourth Movement”, The Diplomat, 5 May 2019.
4. Andrew J. Nathan, “Who is Xi?”, The New York Review of Books, 12 May 2016 Issue.
5. Eduardo Baptista, Yong Xiong and Ben Westcott, “Six Marxist students vanish in China in the lead up to Labor Day”, CNN, 2 May 2019.
6. Jeffrey N. Wasserstrom, “May Fourth, the Day That Changed China”, The New York Times, 3 May 2019.