Cư dân tại một vùng nông thôn Hàn Quốc cực lực phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trong khu vực của họ.
Những biểu ngữ màu đỏ cắm dọc hai bên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào Câu lạc bộ Lotte Skyhill ở quận Seongju. Một số biểu ngữ ghi hàng chữ “Chúng tôi phản đối THAAD” và “Hãy đưa THAAD về nước Mỹ.”
Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc chọn một sân gôn tư nhân, cách Seoul khoảng 220 kilômét về hướng nam, làm địa điểm thiết đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, mà theo trù liệu sẽ được đưa đến Bán đảo Triều Tiên vào năm tới để bảo vệ cho Hàn Quốc trước mối đe dọa phi đạn đạn đạo từ Bắc Triều Tiên.
Nhưng một số cư dân tại các làng xã quanh địa điểm này nói rằng họ sẽ không bao giờ cho phép vũ khí của Mỹ được lắp đặt tại khu vực của họ.
Ông Lee Jeong-Hee, 59 tuổi, một nhà nông trồng dưa, nói; “Chúng tôi sẽ ra đường chặn phi đạn nếu họ chở nó đến đây.”
Ông Lee hồi gần đây đã dẫn đầu một cuộc biểu tình trước trụ sở cộng đồng cách sân gôn khoảng một kilômét để phản đối việc triển khai hệ thống THAAD. Ông nói cả Seoul lẫn Washington không tiên liệu những rủi ro của hệ thống phi đạn, có thể đe dọa đến sức khỏe của hàng trăm cư dân trong khu vực.
Ông Lee nói “Ngũ giác đài cần trả lời cho chúng tôi về bức xạ sóng điện từ” từ hệ thống ra đa của hệ thống phòng thủ phi đạn đang gây lo sợ cho người dân địa phương.
Your browser doesn’t support HTML5
Một người phát ngôn của quân đội Mỹ ở Seoul nói rằng các biện pháp bảo vệ an toàn cho sức khỏe cư dân đã được áp dụng quanh khu vực thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn.
Người phát ngôn này viết trong một thông báo bằng email rằng “Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng các quy định và biện pháp bảo vệ an toàn cao nhất đối với hệ thống THAAD.”
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chứng minh rằng các hệ thống ra đa tương tự đã hoạt động tại nhiều nơi trên cả nước, nhưng hình như vẫn không làm cho cư dân ở Seongju cảm thấy an tâm.
Ông Kang Hee-seong, chủ một tiệm tạp hóa gần một trung tâm cộng đồng, nói ông sợ bức xạ sẽ làm hại mùa màng.
Ông Kang, 69 tuổi, nói: “Có những chỗ khác tốt hơn để thiết đặt lá chắn tên lửa, những nơi xa khu vực cư dân. Tôi cho rằng quân đội Mỹ không màng đến những sự lo âu của người dân sống quanh đó.”
Ba tháng qua kể từ các cuộc phản đối tên lửa THAAD trong khu vực bắt đầu, các cuộc biểu tình phản đối nói chung đều diễn ra trong ôn hòa và trật tự ở thủ đô Seoul, nhưng người dẫn đầu cuộc phản đối, ông Lee Jeong-hee nói những người biểu tình sẽ trút nỗi bất mãn của họ xuống đầu quân đội Mỹ nếu kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn vẫn được xúc tiến.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong lúc các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy người dân Hàn Quốc nói chung có thái độ tích cực đối với Hoa Kỳ và với gần 29.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước họ, nhưng cũng có nhiều người không muốn thấy sự hiện diện kéo dài của Mỹ.
Ông David Straub, tác giả của cuốn Chống Mỹ hóa trong tiến trình Dân chủ hóa Hàn Quốc xuất bản năm 2015, nhận định rằng đảng đối lập ở Nam Triều Tiên có thể sẽ tập hợp những tình cảm chống đối đó cho cuộc vận động tranh cử tổng thống năm tới.
Ông Straub không tin là vấn đề về lá chắn tên lửa THAAD sẽ dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn chống quân đội Mỹ như những cuộc biểu tình từng xảy ra hồi đầu thập niên 2000, nhưng ông nhận định rằng có những lo ngại là người địa phương gần nơi dự định thiết đặt lá chắn tên lửa có thể bị tuyên truyền với những thông tin sai lệch về hệ thống phòng thủ phi đạn này.
Tại một quận thuộc thành phố Gimcheon nằm cách Câu lạc bộ Seongju 7 kilômét, những biểu ngữ chống đối được treo lên tường của các tòa nhà chung cư cao tầng mới xây dựng và tại các cơ sở buôn bán ở địa phương.
Ông Lim Sang-won treo một biểu ngữ chống THAAD trên cửa sổ trước cửa hàng bán điện thoại của nhà ông. Ông cho biết ông và hầu hết người dân ở đây không tức giận gì Mỹ, mà phản đối chính phủ Hàn Quốc chẳng màng gì đến những lo ngại của người dân để duy trì quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ.
Theo một nhà kinh doanh bất động sản không cho biết tên, những lo sợ về bức xạ từ hệ thống ra đa của THAAD cũng tác động đến giá cả nhà đất trong khu vực.