Thị trưởng Gimcheon, ông Park Bo-saeng nói với những người biểu tình rằng ông đã tìm cách can ngăn giới lãnh đạo tỉnh và các quan chức bộ quốc phòng đừng đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD gần thành phố có 13.000 cư dân của ông, nhưng lời kêu gọi đó chẳng được ai chú ý. Thị trưởng Park nói:
"Họ hứa sẽ giúp chúng ta khi tôi gặp họ trước đó. Nhưng ai giúp chúng ta đây?"
Những cuộc biểu tình hồi mùa hè vừa rồi đã buộc chính phủ Hàn quốc dời ra xa địa điểm dự tính đặt hệ thống phòng thủ THAAD khỏi một khu vực ở quận Seongju, nằm cách một khu dân cư khoảng 1,5 kilômét.
Địa điểm mới được chọn hồi tháng 9 là sân gôn của Câu lạc bộ Lotte Skyhill thuộc vùng thôn quê thưa dân hơn của quận Seongju, cách thành phố Gimcheon 8 kilômét ở cực nam bán đảo Triều Tiên.
Cuộc biểu tình nhỏ hơn
Số người biểu tình kéo đến thủ đô của Hàn Quốc hôm thứ Tư để phán đối việc triển khai lá chắn phi đạn THAAD ít hơn đáng kể so với ước tính 5.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tương tự tại đây hồi tháng 7.
Nhiều người bày tỏ phẫn nộ trước quyết định triển khai lá chắn phi đạn một cách đột ngột mà không tham khảo ý kiến của địa phương.
Ông Choo Moon-ho là một cư dân Gimcheon:
"Tôi có thể hoan nghênh quyết định của chính phủ, đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD nếu nó đi kèm với một số biện pháp và kế hoạch dự phòng nhất định. Nhưng cư dân địa phương cũng như người dân thành phố Gimcheon chẳng được thông báo, cứ như thể họ không hề có mặt vậy."
Sợ phóng xạ
Nhiều cư dân địa phương sợ bị phơi nhiễm bức xạ điện từ phát ra từ radar của lá chắn phi đạn này có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân quanh đó và có thể nhiễm vào các loại nông sản trong vùng.
Lá chắn tên lửa THAAD sử dụng radar có độ phân giải cao được thiết kế để phát hiện và bám theo tên lửa đạn đạo từ khoảng cách xa và ở độ cao lớn. Radar và công nghệ tầm nhiệt của hệ thống phòng thủ này được ứng dụng để lập trình cho 6 dàn phóng di động và 48 hỏa tiễn đánh chặn.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tìm cách trấn an những lo ngại về tác động đối với sức khỏe bằng cách công khai thực hiện những thử nghiệm với hệ thống phòng thủ THAAD ở đảo Guam cho thấy bên ngoài khu vực bức xạ có bán kính 100 mét là vùng an toàn, không có nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ.
Một số cư dân ở Hàn Quốc nói họ đã nghiên cứu lấy và thấy kết quả trái ngược với những kết luận của chính phủ.
Ông Kim Kyung-soom ở cách địa điểm dự tính đặt phi đạn THAAD chưa tới 2 kilômét. Ông nói:
"Xưởng chế tạo lá chắn tên lửa THAAD nói lá chắn này nguy hại cho sức khỏe con người, và người dân không nên ở trong khu vực có bán kính 3,6 kilômét cách nơi đặt hệ thống. Bộ Quốc phòng không thừa nhận sự thật này."
Mối đe dọa hiện hữu
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nói rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn này là cần thiết để chống mối đe dọa đặt ra bởi chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo đang phát triển của Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng dọa sẽ “có hành động đáp trả” nếu hệ thống lá chắn THAAD được triển khai, lời đe dọa đó đã khiến một số cư dân Gimcheon lo sợ rằng khu vực của họ có thể trở thành mục tiêu bị Bắc Triều Tiên nhắm tấn công.
Bà Seo là một cư dân Gimcheon cho biết:
"Tôi không muốn bất cứ ai ở Hàn Quốc bị phương hại và cho dù lá chắn tên lửa THAAD có được triển khai đi nữa, thì Bắc Hàn vẫn có thể tấn công Hàn Quốc."
Trung Quốc
Trung Quốc cũng lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc triển khai lá chắn THAAD ở Hàn Quốc, và yêu cầu Washington và Seoul hãy ngưng kế hoạch đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn không có ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và sẽ phương hại nghiêm trọng đến an ninh của các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Bắc Kinh nêu lên quan ngại rằng hệ thống radar của THAAD có thể được sử dụng để xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.
Truyền thông địa phương đưa tin rằng Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế và thương mại đối với Hàn Quốc. Nhưng các giới chức ở Seoul đã tìm cách giảm nhẹ khả năng Bắc Kinh có thể trả đũa quyết định triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.