Dân chủ và nhà nước pháp quyền

Công an canh gác trước Tòa án Nhân dân TPHCM

Biểu hiện của dân chủ là bầu cử tự do và sự phân lập giữa ba bộ máy hành pháp, lập pháp và tư pháp. Điều kiện của dân chủ là tự do ngôn luận và tự do chính trị, kể cả tự do đối lập. Nhưng cơ sở của dân chủ lại nằm ở một nơi khác: pháp quyền.

Nằm ở trung tâm pháp quyền, có bốn nguyên tắc chính: một, nhà nước phải được quản trị bởi những luật lệ chung đã được đặt ra từ trước; hai, các luật ấy (chứ không phải bất cứ thứ luật nào khác) cần phải được thực thi và củng cố; ba, mọi việc tranh luận về luật phải được giải quyết một cách thỏa đáng và công bằng; và bốn, chính phủ cũng bị ràng buộc bởi các luật lệ như mọi công dân.(1) Nguyên tắc thứ tư được một số người khai triển thành luận điểm: tất cả các cơ quan chính phủ được vận hành không phải chỉ thông qua pháp luật mà còn phải luôn luôn được đặt dưới pháp luật trong ý nghĩa là, thứ nhất, chúng bị giới hạn bởi luật pháp; và hai, có thể được/bị kiểm tra bởi các tòa án độc lập. (2)

Việt Nam luôn luôn tự xưng là một nhà nước pháp quyền. Hiến pháp của họ ghi rõ điều đó: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.” Những lời tuyên bố của giới lãnh đạo, từ Hồ Chí Minh về sau, luôn luôn nhấn mạnh đến điều đó: Chế độ của họ được xây dựng trên luật pháp. Luật pháp được coi là nơi thể hiện đồng thời là điều kiện bảo đảm cho dân chủ.

Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt hai loại pháp quyền: pháp quyền trên giấy và pháp quyền trên thực tế.

Việt Nam không thiếu loại pháp quyền trên giấy. Tất cả các văn kiện của chính phủ cũng như của đảng và những lời phát biểu của giới lãnh đạo đều đầy ắp những chữ “pháp quyền”, “pháp trị”, “sống và làm việc theo luật pháp”, v.v...

Nhưng trên thực tế thì khác hẳn.

Khác, trước hết, ở cơ chế.

Muốn có một nhà nước pháp quyền, cần có hai điều kiện căn bản đầu tiên: một, luật pháp phải thật rõ ràng; và hai, các bộ phận quyền lực sau đây phải thực sự độc lập với chính phủ và đảng cầm quyền: tư pháp và công an. Bất cứ một chính phủ nào có thể ra lệnh cho tòa án phải làm thế này làm thế kia, hoặc ra lệnh cho công an bảo vệ quyền lực và quyền lợi của đảng mình bất chấp công lý đều không thể gọi là pháp quyền được.

Cả hai điều kiện trên đều không có ở Việt Nam. Thứ nhất, luật pháp Việt Nam rất ư không rõ ràng. Những khái niệm căn bản như “phản quốc” (được xem là tội nặng nhất) hay “chống phá nhà nước” đều có thể được diễn dịch một cách hết sức tùy tiện bao gồm từ việc tổ chức lật đổ chính phủ đến những phát biểu về tự do, dân chủ và đa nguyên đa đảng. Thứ hai, tất cả các cơ quan có vai trò bảo vệ luật pháp như tòa án và công an đều không hề độc lập. Không độc lập ở hai điểm chính: một, tất cả đều là cán bộ của nhà nước, hoàn toàn nằm trong quyền hạn của nhà nước, do chính phủ bổ nhiệm, do đó, nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải trung thành và bảo vệ nhà nước (chứ không phải luật pháp); và hai, hầu hết họ đều là đảng viên; riêng với chánh án và cán bộ công an trung và cao cấp, tất cả đều là đảng viên, do đó, nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải trung thành với đảng. Khi đảng nằm trên luật pháp, việc trung thành của họ được trả giá bằng chính sự hy sinh của luật pháp.

Trên thực tế, cái gọi là nhà nước pháp quyền còn khác ở cung cách vận hành của luật pháp. Để pháp luật được vận hành thông suốt, người ta cần dựa trên nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước luật pháp. Ở Việt Nam, một sự bình đẳng như vậy hầu như hoàn toàn không có. Một cán bộ thấp ở cấp phường cấp xã bị tố nhận hối lộ vài triệu đồng Việt Nam liền bị điều tra và xử phạt ngay, có khi cả mấy năm tù, còn một cán bộ cao cấp, cỡ ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhận hối lộ cả chục triệu đô la Úc thì được nhà nước tìm cách che giấu mặc dù cảnh sát và giới truyền thông quốc tế đã công khai nêu tên chỉ mặt. Một thủ quỹ quèn làm thất thoát vài chục triệu đồng Việt Nam có thể bị truy tố; riêng tập đoàn Vinashin làm thất thoát cả gần 5 tỉ Mỹ kim thì những người chịu trách nhiệm chính lại bình an vô sự. Một thường dân đánh chết người thì bị án tử hình hoặc ít nhất, tù chung thân, nhưng công an đánh chết người thì được miễn truy tố. Cũng là tội mua dâm trẻ vị thành niên nhưng trong khi ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương bị kết án chín năm tù giam, ông chủ tịch tỉnh kiêm phó bí thư tỉnh ủy Nguyễn Trường Tô với chứng cứ rành rành thì lại chỉ được cho nghỉ hưu non và khỏi phải xuất hiện trước vành móng ngựa (hơn nữa, phiên tòa còn được xử kín để không ai có thể nghe đến cả cái tên của ông!).

Chỉ cần đọc báo chí ở Việt Nam, những tờ báo được coi là chính thống và chính thức, chúng ta cũng có thể nhặt ra hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn những ví dụ tương tự. Tất cả đều chứng tỏ luật pháp: thứ nhất, có thể được diễn dịch và được áp dụng một cách tùy tiện tùy theo các động cơ chính trị và quan hệ xã hội; thứ hai, hầu như chỉ tồn tại như một cách trừng phạt, thậm chí, trả thù hơn là răn đe hay bảo vệ trật tự xã hội và công lý; thứ ba, chỉ là công cụ của đảng, trong khi đảng, kẻ sử dụng thứ công cụ ấy, thì lại đứng hẳn lên trên hay ở bên ngoài luật pháp; và cuối cùng, cái gọi là "nhà nước pháp quyền" ở Việt Nam chi là một trò diễu.

Lại là diễu dở.

***

Chú thích:

1. Cheryl Saunders và Katherine Le Roy (biên tập) (2003), The Rule of Law, Sydney (Úc): The Federation Press, tr. 5.
2. Geoffrey de Q. Walker (1988), The Rule of Law: Foundation of Constitutional Democracy, Melbourne: Melbourne University Press, tr. 4.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.