Đài Loan là một trong những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính phủ ở Đài Bắc lâu nay vẫn bị gạt qua bên lề của vụ tranh chấp sôi nổi này vì bị Trung Quốc che phủ. Giờ đây, trong lúc Philippines thách thức những yêu sách của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế ở La Haye, Đài Bắc đang tìm cách khẳng định những yêu sách của mình một cách rõ ràng hơn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Khi còn là một viên sĩ quan trẻ trong lực lượng hải quân của Trung hoa Dân quốc, ông Miêu Vĩnh Khánh đã tham gia một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và ghé vào đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình).
Vị cựu đô đốc từng giữ chức tư lệnh hải quân Đài Loan thuật lại như sau:
"Hai năm sau khi tôi ra trường vào năm Dân quốc thứ 55 (1966), tôi làm phó hạm trưởng chiến hạm Thái Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là tu bổ bia chủ quyền trên những hòn đảo mà chúng tôi được cho biết đã bị Philippines phá hoại".
Ông Miêu cho biết không có vụ đụng độ nào xảy ra trong chuyến công tác đó. Nhưng ông nói rằng việc khẳng định những yêu sách chủ quyền của Đài Loan hiện nay vẫn quan trọng y như trước.
"Nước nào cũng phải kiên quyết 100% trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng lịch sử".
Đảo Ba Bình, phần nổi bật nhất của những yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, giờ đây có một sân bay cùng với các cơ sở quân sự và khí tượng, nhưng những công trình này không phải được xây trên đất đai được bồi đắp, như Trung Quốc đã làm hồi gần đây ở Biển Đông.
Trong lúc Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về các yêu sách chủ quyền, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đến đảo ba Bình trong tháng 12 để tái khẳng định yêu sách của Đài Loan.
Ông William Stanton, cựu giới chức ngoại giao Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết những hành động của Đài Loan sẽ được theo dõi rất kỹ vì họ có những yêu sách giống như Bắc Kinh. Nhưng ông nói thêm rằng so với Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng hơn trong việc tuân hành một phán quyết của tòa án quốc tế.
"Vì Đài Loan muốn tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh hơn, họ thường tuân hành các quyết định của Liên Hiệp Quốc mặc dù họ không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ đặt Đài Loan vào một vị thế rất khó khăn".
Những yêu sách chủ quyền của Đài Loan cũng là một vấn đề đang được bàn tới trong những cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng ở đảo quốc này.
Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của phe đối lập, là người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Bà đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại với những nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc. Nhưng hiện nay, mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và kinh tế của Đài Loan là những vấn đề chính, và vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục là một mối quan tâm thứ yếu đối với cử tri Đài Loan.