Đài Loan cho biết họ cảm thấy thất vọng vì đơn của họ xin làm thành viên sáng lập của một ngân hàng phát triển khu vực đã bị đối thủ chính trị Trung Quốc bác bỏ. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc, chính phủ Đài Loan giờ đây hướng sự chú ý tới việc trở thành thành viên thông thường của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu.
Đài Loan hôm Thứ ba bày tỏ thất vọng đối với việc Trung Quốc không cho họ gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu (AIIB), một tổ chức tín dụng khu vực do Trung Quốc thiết lập với nguồn vốn của nhiều nước trên thế giới. Chính phủ ở Đài Bắc nói rằng gia nhập các tổ chức khu vực là quyền của họ.
Trung Quốc cho biết 57 quốc gia được chấp thuận làm thành viên sáng lập của AIIB, với số vốn 100 tỉ đô la, trong đó có khoảng phân nửa là do Trung Quốc đóng góp.
Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đã bám chặt nguyên tắc của họ là chỉ để cho các nước có chủ quyền được làm thành viên sáng lập của ngân hàng này. Bắc Kinh xem đảo quốc tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, chứ không phải là một quốc gia riêng.
Ông Ngô Trọng Lễ, một nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương ở Đài Bắc, cho rằng việc để cho Đài Loan gia nhập sẽ đánh đi một thông điệp.
"Nếu chính phủ ở Bắc Kinh để cho Đài Loan làm thành viên sáng lập, điều đó sẽ tạo ra một ấn tượng là Đài Loan là một nước có chủ quyền, và nếu như thế, thì Hồng Kông và Ma Cao sẽ như thế nào?"
Hồng Kông và Ma Cao được cai trị bởi Trung Quốc nhưng với một mức độ tự trị, và nhiều người ở Hồng Kông đang tranh đấu với Bắc Kinh để đặc khu hành chánh này được tự trị nhiều hơn nữa.
Định chế mới của Bắc Kinh, được thiết lập giống như Ngân hàng Thế giới, sẽ cung cấp nguồn vốn cho những dự án năng lượng, giao thông và tái thiết đô thị tại những khu vực đang trỗi dậy của châu lục có 4 tỷ 300 triệu người. Ngân hàng cơ sở hạ tầng này cũng được xem là một sự bành trướng của ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới. Hoa Kỳ, cùng với một số tổ chức nhân quyền, đã bày tỏ quan tâm về những chính sách cho vay của AIIB. Họ cho rằng ngân hàng mới này có thể không có những biện pháp bảo đảm tương tự như các biện pháp của Ngân hàng Thế giới để bảo vệ nhân quyền và môi trường.
Tuần trước, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng việc gia nhập ngân hàng cơ sở hạ tầng này sẽ mang lại cho công nghiệp xây dựng của Đài Loan một cơ hội để khuyếch trương qua việc tranh giành những hợp đồng trên khắp khu vực.
Sự bác bỏ của Trung Quốc đã gây tổn hại cho uy tín của ông Mã Anh Cửu, là nhà lãnh đạo mà tỉ lệ ủng hộ vốn đã ở mức thấp hơn 20%. Người đứng đầu đảng đối lập chính ở Đài Loan tố cáo chính phủ đã hấp tấp và vô trách nhiệm khi xin làm thành viên sáng lập của AIIB.
Mặc dầu vậy, Hội đồng Hoa lục Sự vụ của chính phủ Đài Loan cho biết họ sẽ lại nộp đơn để xin làm thành viên thông thường của ngân hàng cơ sở hạ tầng này, với điều kiện là Bắc Kinh đối xử với Đài Loan với sự tôn trọng, kể cả việc sử dụng một danh xưng không có hàm ý Trung Quốc và Đài Loan là một nước. Trung Quốc hôm thứ hai vừa qua cho biết họ sẽ có thái độ cởi mở đối với đơn xin gia nhập đó.
Ông Lâm Trung Bân, một nhà phân tích chiến lược kỳ cựu ở Đài Loan, nói rằng đôi bên có lẽ sẽ đạt được một thoả hiệp:
"Thái độ của Bắc Kinh là vui vẻ đón nhận sự gia nhập của Đài Loan sau này, nhưng không phải là thành viên sáng lập. Vấn đề là sẽ dùng danh xưng nào. Đôi bên có thể thương lượng với nhau về những sự lựa chọn đó, bởi vì việc này đã có tiền lệ."
Trung Quốc và Đài Loan đã nằm dưới sự cai trị của hai chính phủ riêng rẽ kể từ khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng kết thúc vào cuối thập niên 1940, nhưng quan hệ giữa đôi bên đã được cải thiện đáng kể trong 7 năm qua.