‘Vụ Đại Học Đông Đô’ chỉ là phần nổi tảng băng

Bản tin về bằng giả được đăng trên báo chí trong nước. (Hình: Trích xuất từ tuoitre.vn)

Công an Việt Nam vừa công bố Kết luận Điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở Đại học Đông Đô (ĐHĐĐ) - Hà Nội. Theo đó, ĐHĐĐ đã cấp khoảng 600 văn bằng Cử nhân tiếng Anh cho những người chỉ muốn có… bằng chứ không bận tâm đến kiến thức, kỹ năng. Phần lớn trong hơn 600 người đóng tiền để nhận văn bằng này là viên chức ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam đang muốn luồn sâu hơn, trèo cao hơn. Đáng nói là có 55/600 đã sử dụng văn bằng Cử nhân tiếng Anh loại này để… đoạt học vị… Tiến sĩ (1).

Cả công an lẫn báo giới Việt Nam cùng gọi những văn bằng Cử nhân tiếng Anh mà ĐHDĐ đã cấp là giả nhưng xét cho đến cùng, gọi như thế không chính xác! ĐHĐĐ là đại học… thật. Có thể Bộ GDĐT chưa cho phép ĐHĐĐ đào tạo – cấp văn bằng thứ hai cho những người đã có một văn bằng tốt nghiệp đại học nhưng trên thực tế, rõ ràng là các cơ quan hữu trách của Bộ GDĐT như Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Giáo dục đại học đều đã công khai hỗ trợ ĐHĐĐ tuyển sinh (thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đề án tuyển sinh)…

Đó là chưa kể những văn bằng Cử nhân tiếng Anh mà ĐHĐĐ đã cấp đều dùng mẫu thật, dấu thật, các chữ ký trên văn bằng cũng là chữ ký thật của những cá nhân hữu trách. Yếu tố duy nhất không… thật là… kiến thức, kỹ năng của người sở hữu văn bằng!

Nếu rạch ròi như Kết luận Điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở ĐHĐĐ: Kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm là… giả - chẳng riêng hệ thống giáo dục mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ cùng... tan tành!

***

Năm nay là năm đầu tiên, hệ thống công quyền Việt Nam yêu cầu công khai toàn bộ hồ sơ, quá trình xem xét – công nhận học hàm Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) và kết quả là ít nhất có 37/56 ứng viên GS, PGS ngành Y – Dược bị tố cáo gian dối (2).

Điểm đáng lưu ý là tất cả những ứng viên ấy đã được Hội đồng Gíao sư (HĐGS) của ngành Y – Dược thẩm định và đề nghị HĐGS của nhà nước công nhận. Chuyện chưa ngừng ở đó! Bởi dối trá, thiếu thực chất đã trở thành vấn nạn trầm kha, xảy ra đối với tất cả các loại học hàm, học vị ở tất cả các lĩnh vực, nên sau đó, HĐGS của nhà nước phải quyết định hoãn kỳ họp xem xét - công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS của năm nay để yêu cầu HĐGS của một số ngành… xem xét lại!

Dẫu một số người xem việc hoãn kỳ họp vừa kể là dấu hiệu đáng mừng (3) nhưng mừng như thế dường như quá vội! Cho dù chuyện HĐGS của nhà nước hoãn kỳ họp xem xét – công nhận GS, PGS năm nay, vì nhận được rất nhiều đơn, thư tố cáo các ứng viên thiếu liêm chính trong học thuật là sự kiện vô tiền khoáng hậu, song chỉ chừng đó thì chưa đủ để mơ, rằng liêm chính trong học thuật sẽ có một chỗ để có thể… đứng bằng hai chân tại… Việt Nam!

Cũng tháng trước – thời điểm mà HĐGS của nhà nước quyết định hoãn duyệt xét và công bố danh sách các tân GS, tân PGS, yêu cầu HĐGS một số ngành xem lại danh sách ứng viên mà họ từng đề cử, Tỉnh ủy Đắk Lắk loan báo: Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng đã… xác minh và… kết luận ông Bùi Văn Cường không “đạo văn” hay “vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo” trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018 như tố cáo (4)…

Hai người tố cáo ông Bùi Văn Cường (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bí thư Đắk Lắk) với rất nhiều dẫn chứng cụ thể đã bị công an tỉnh Đắk Lắk tống giam với cáo buộc… “vu khống” và cho đến giờ này, vẫn chưa biết số phận của họ sẽ như thế nào vì Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng giành quyền… thẩm định luận văn tiến sĩ! Nếu Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng có thể làm điều đó thì rõ ràng, liêm chính trong học thuật vẫn còn đang… lang thang bên ngoài… biên giới Việt Nam!

***

Xem kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm là… giảrạch ròi – cẩn trọng – công bằng khi trao tặng, cấp phát học hàm, học vị chỉ thật sự đáng mừng, đáng hoan nghênh khi những yếu tố này được áp dụng với tất cả cá nhân, bất kể vai trò, vị trí của đương sự trong xã hội. Tuy nhiên đó là chuyện bất khả thi tại Việt Nam. Ví dụ ai sẽ điều tra - xem xét lại học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ đã cấp cho ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an?

Ông Tô Lâm đã dạy những ai, ở đâu, trong bao lâu mà được công nhận là… Giáo sư? Bởi an ninh không đơn thuần là trật tự, trị an mà còn là nhân tâm, dân ý,… có nên xem lại vì sao một… Tiến sĩ khoa học về… an ninh lại… đụng đâu, bể đó như ông Tô Lâm?

Chẳng lẽ do an ninh được nâng lên thành… khoa học ở mức… tiến sĩ rồi… ngộ chữ mà tạo ra, để lại đủ loại dấu vết, thành ra chỉ vài tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh… tự đầu thú, hệ thống bảo vệ pháp luật của Đức dễ dàng xác định ông Tô Lâm là người đứng đầu một vụ bắt cóc? Từ cổ chí kim, có bao nhiêu… Tiến sĩ khoa học về… an ninh lập kế hoạch – chỉ đạo hàng ngàn cảnh sát tấn công thường dân không vũ trang nhưng mất đến ba sĩ quan, chưa kể còn gây thêm thù, chuốc thêm oán cho hệ thống mà mình phục vụ?

Vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở ĐHĐĐ chỉ là phần nổi của một tảng băng. Bên dưới tảng băng ấy, chưa biết lúc nào kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm mới được xem là… bất thường, phải loại trừ, vĩnh viễn.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/nhieu-can-bo-cong-chuc-mua-bang-tieng-anh-gia-cua-dh-dong-do-20201124172516858.htm

(2) https://laodong.vn/xa-hoi/3756-ung-vien-gs-pgs-nganh-y-duoc-bi-to-gian-doi-850029.ldo

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lui-xet-giao-su-pho-giao-su-dang-mung-hon-dang-lo-1297779.html

(4) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-thu-tinh-uy-dak-lak-lan-dau-len-tieng-vu-bi-to-dao-van-1736263.tpo