Quyết định và cách giải thích của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) về dự tính tăng học phí đối với học sinh tất cả các cấp cho thấy, không thể xếp Bộ GDĐT Việt Nam cũng như chính phủ Việt Nam vào bất kỳ hạng nào!
***
Ngày 12 tháng 11, Bộ GDĐT Việt Nam giới thiệu Dự thảo Nghị định về Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT (1).
Dự thảo này nhằm thay thế nghị định cùng loại đã được ban hành cách nay năm năm (Nghị định 86/2015/NĐ-CP) để nâng học phí của tất cả các bậc học từ mầm non đến phổ thông (tăng 7,5%/năm), riêng học phí đại học tăng 12.5%/năm (1)…
Trước phản ứng dữ dội của tất cả các giới, hôm sau – 13 tháng 11 – đại diện Bộ GDĐT loan báo: Vừa đề nghị Thủ tướng gia hạn Nghị định 86/2015/NĐ-CP để giữ mức học phí hiện nay cho đến niên khóa 2022 – 2023.
Nói cách khác, Bộ GDĐT – cơ quan soạn thảo nghị định nhằm thay Nghị định 86/2015/NĐ-CP với dự tính, nâng học phí từ 7.5%/năm đến 12,5%/năm tùy theo bậc học đã tự tay bóp mũi đứa con của họ rồi thản nhiên quay lưng bỏ đi!
Theo Bộ GDĐT, có ba lý do khiến họ… thai nghén rồi… sanh dự thảo tăng học phí: (1) Dự báo của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng kinh tế từ 2021 - 2025 sẽ là 7,5%, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm sẽ tăng từ 4% đến 5% và thu nhập bình quân/người sẽ tăng. (2) Cần mức học phí mới để cấp ngân sách cho các trường tiểu học và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập theo Nghị quyết 19 của đảng. (3) Đã xin ý kiến của 22/22 bộ, ngành và 63 địa phương về việc tăng học phí !
Nói cách khác, dự thảo tăng học phí không phải… con riêng của Bộ GDĐT mà là… con chung của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. “Đứa trẻ” này bị bóp mũi trước khi Thủ tướng Việt Nam… chứng sanh là… ngoài dự kiến!
***
Cứ như những gì Bộ GDĐT đã phân bua thì dù quản trị, điều hành quốc gia song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khiếm khuyết nghiêm trọng cả về nhận thức lẫn hành vi nên chỉ đến khi các giới chỉ trích dự tính tăng học phí một cách kịch liệt, họ mới nhận ra: Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão lũ nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân (2)…
Về nguyên tắc, nghị định là văn bản dưới luật, chính phủ chỉ có quyền ban hành nghị định để hướng dẫn thi hành luật. Luật Giáo dục (2019) xác định giáo dục tiểu học hoàn toàn miễn phí nhưng dự thảo nghị định tăng học phí không những không bảo vệ yếu tố miễn phí mà còn cho phép tăng học phí 7,5%/năm. Tuy Bộ GDĐT vừa bảo rằng, học phí theo dự thảo chỉ là “khung” để tính toán mức hỗ trợ các trường tiểu học theo Luật Giáo dục nhưng đến nay, có bao nhiêu trường tiểu học thực sự miễn phí hoàn toàn?
Theo luật pháp Việt Nam, “phí” là khoản tiền mà đương sự phải nộp cho các cơ quan hữu trách khi sử dụng dịch vụ công nhằm bù đắp một phần chi phí hoạt động của những cơ quan này, “phí” phải sung công. Khác với “phí”, “giá” là khoản tiền mà đương sự phải trả khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, ngoài chi phí, phía cung cấp sản phẩm, dịch vụ có quyền tính cả lợi nhuận vào “giá”, nguồn thu từ “giá” không phải sung công và các bên có thể chia chác lợi nhuận.
Năm 2015, khi thông qua Luật Phí và lệ phí, hệ thống chính trị Việt Nam… nhất trí với hệ thống công quyền đưa học phí, viện phí và 35 loại phí khác ra khỏi danh mục phí và lệ phí để “chuyển sang cơ chế ‘giá’ nhằm khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công” (3)... Pháp chế XHCN không chỉ biến lập pháp, lập qui thành trò hề - nghị định vỗ vào mặt luật. Pháp chế XHCN còn minh định, “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” kiểu Việt Nam không chừa cơ hội nào cho người nghèo và thành phần yếu thế. Làm sao xếp hạng?
Chú thích
(1) https://tintucvietnam.vn/bo-gddt-de-xuat-tang-hoc-phi-muc-tang-tung-cap-the-nao-d251577.html
(2) https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-rut-de-xuat-tang-hoc-phi-chi-trong-mot-ngay-vi-sao-2020111321182639.htm