Đại án Việt Á: Hai cựu bộ trưởng được đề nghị mức án dưới khung truy tố

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (trái) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa xét xử trong đại án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, ở Hà Nội.

Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị đề nghị mức án 30 năm tù trong khi cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh được đề nghị mức án dưới khung truy tố cho các tội danh của họ trong vụ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Sau gần 4 ngày xét xử, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội (VKS) hôm 8/1 công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 2 cựu bộ trưởng cùng 36 bị cáo khác trong phiên tòa xét xử thứ hai của đại án Việt Á vốn gây bức xúc trong công luận vì sự trục lợi cá nhân giữa đại dịch.

Theo truyền thông trong nước, VKS đề nghị mức án cho các bị cáo từ 24 tháng tù treo đến 30 năm tù giam.

Ông Việt, người bị cáo buộc đã hối lộ hơn 106 tỷ đồng để mua chuộc nhiều quan chức và ‘thổi giá’ kit xét nghiệm khi bán cho các cơ quan nhà nước cùng các cơ sở y tế công lập để chống dịch, bị đề nghị 15-16 năm tù tội “vi phạm đấu thầu” và 15-16 năm tù tội “đưa hối lộ”, với tổng hợp hình phạt 30 năm tù, theo Tuổi Trẻ.

Ông Việt bị một tòa án Quân sự tuyên 25 năm tù giam trong vụ án đầu tiên được xét xử vào cuối tháng trước nhưng án chưa có hiệu lực pháp luật.

Cựu Bộ trưởng Long, người bị cáo buộc nhận 2,2 triệu USD tiền hối lộ từ ông Việt, bị đề nghị mức án từ 19-20 năm tù, theo Tuổi Trẻ.

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định rằng, người nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên và gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.

Ông Long, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” để giúp Việt Á được đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm và đồng ý cho Việt Á nâng giá bán lên 3,5 lần, đã bày tỏ nguyện vọng được khoan hồng trong phiên tòa xét xử. Theo ghi nhận của truyền thông trong nước về phiên tòa, ông Long đã “nhận ra sai phạm” và nộp lại toàn bộ số tiền để “khắc phục hậu quả”.

Còn cựu Bộ trưởng Ngọc Anh, người bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, được VKS đề nghị mức án từ 3-4 năm tù.

Tương tự, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng được đề nghị mức án như nêu trên với cùng tội danh.

Theo bản luận tội của VKS được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Ngọc Anh, với cương vị bộ trưởng, ký quyết định giao Việt Á phối hợp nghiên cứu đề tài kit xét nghiệm trong khi ông Tạc ký quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài “trái quy định pháp luật”.

Hành vi của ông Ngọc Anh và cấp phó của mình bị cáo buộc gây thất thoát tài sản số tiền gần 19 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Theo luật Việt Nam, người phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Theo luận tội của VKS, hai lãnh đạo này thậm chí còn thực hiện chuỗi hành vi khen thưởng, hỗ trợ truyền thông “giúp đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á”.

Ông Ngọc Anh bị buộc tội nhận 200.000 USD từ giám đốc Việt Á còn ông Tạc được ông Việt “cảm ơn” 50.000 USD, theo Tuổi Trẻ.

Đại diện cơ quan công tố nhấn mạnh trước tòa rằng vụ án Việt Á là điển hình cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” và “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống’”, theo Dân Trí. Sự cấu kết này, theo VKS được Dân Trí trích dẫn, là giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

Việc nâng khống giá kit xét nghiệm của Việt Á được xác định là đã gây hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách nhà nước là hơn 402 tỷ đồng.

Việt Á, cùng với “chuyến bay giải cứu”, là hai đại án tham nhũng nổi bật nhất được phanh phui trong thời gian đại dịch COVID, khiến người dân phẫn nộ vì sự trục lợi cá nhân của quan chức và doanh nghiệp giữa lúc cả nước gồng mình chống dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, đã bị buộc thôi chức giữa nhiệm kỳ vì những trách nhiệm liên quan đến các vụ tham nhũng này.