Hội Hồng Thập Tự Quốc tế sáng 12 tháng 1 cho biết nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để đưa những phẩm vật cứu trợ vô cùng cần thiết cho thị trấn Madaya, gần biên giới Li Băng, đã hoàn tất. Thông tín viên Richard Green của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Phát ngôn viên Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, ông Pawel Krzysiek, cho biết trên trang Twitter rằng các toán nhân viên của Hội Hồng Thập Tự, Liên Hiệp Quốc và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Syria chuẩn bị rời khỏi Madaya, nhưng “sẽ có thêm hàng cứu trợ được đưa tới đây trong những ngày sắp tới.”
Thị trấn Madaya, có khoảng 42.000 dân, do phe nổi dậy kiểm soát, đã bị các lực lượng thân chính phủ vây hãm trong nhiều tháng qua. Lần cuối mà nơi này nhận được viện trợ lương thực là vào tháng 10. Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác cho biết một số cư dân ở đây đã bị chết đói.
Ông Krzysiek thuật lại về chuyến đi của ông tới Madaya ngày 11 tháng 1:
"Thật là đau lòng khi nhìn thấy tình cảnh của những người này. Mới đây, một cô bé tới gặp tôi và câu hỏi đầu tiên của em ấy là 'Ông có mang thức ăn tới không? Ông có mang thức ăn tới không? Cháu mong là ông mang thức ăn tới Foua, Kefraya, và tới Madaya bởi vì chúng cháu đói quá'."
Một phụ nữ ở Madaya cho biết như sau về tỉnh cảnh khốn đốn của người dân trong thị trấn.
Chúng tôi chứng kiến rất nhiều sự khổ sở và chịu đựng rất nhiều. Có người giết mèo để ăn. Có người phải ăn cỏ. Tôi trông thấy những người ngôi trên đống rác và bới rác để ăn. Chúng ta cần phải phá vỡ vụ vây hãm.
Những đoàn xe chở lương thực, thuốc men và chăn mền cũng đã tới Foua và Kefraya trong tỉnh Idlib ngày hôm 11/1.
Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, ông Bashar Ja'afari, cho biết chính phủ ông đang hợp tác trong việc đưa hàng cứu trợ tới những người cần giúp đỡ, nhưng ông phủ nhận những tin tức cho rằng có người bị chết đói. Phát biểu với báo chí ngày 11 tháng 1 tại Liên Hiệp Quốc, ông nói rằng có thông tin sai sự thật về tình hình ở Madaya và những bức hình về người chết đói là “ngụy tạo.”
Ông cũng nói rằng một số hàng cứu trợ đã bị cướp bởi những người mà ông gọi là “những nhóm khủng bố vũ trang.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm 11/1 cho biết Washington đang thúc giục “tất cả các bên” để cho hàng cứu trợ được đưa tới Madaya.
Theo Liên Hiệp Quốc, 13.5 triệu người cần được giúp đỡ ở Syria. Hơn 4 triệu người đã vượt biên xin tị nạn ở nước ngoài và 6 triệu 600 ngàn người tản cư trong nước.
Vụ xung đột bùng ra hồi tháng 3 năm 2011 đã gây tử vong cho hơn 250.000 người. Nỗ lực đa quốc mới nhất để có được một thoả thuận hoà bình sẽ diễn ra trong tháng này, khi đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria đưa các bên lâm chiến vào bàn thương nghị tại Geneve. Nhưng vòng đàm phán do Liên Hiệp Quốc điều giải cách nay hai năm đã chấm dứt mà không có được tiến bộ nào đáng kể.