Cuộc họp BRICS cho thấy các tham vọng địa chính trị, đối nghịch với phương Tây

Lãnh đạo các nước tham dự thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga, ngày 24/10/2024.

Trong khi các quan chức Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm rằng cuộc họp của nhóm BRICS tại thành phố Kazan của Nga không tiến triển thành một cuộc đối đầu địa chính trị, các nhà phân tích cho rằng các thành viên BRICS đang làm việc trên các vấn đề có thể tách họ xa hơn ra khỏi ảnh hưởng của phương Tây.

Trong số các chủ đề được thảo luận giữa các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi có bao gồm các cách thiết lập một hệ thống thanh toán thay thế không phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, một loại tiền kỹ thuật số BRICS và một giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trung Quốc, Nga và Iran - các quốc gia phải đối mặt với các hạn chế thương mại nghiêm ngặt do Hoa Kỳ áp đặt - đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy các mục tiêu đã nêu của BRICS và lách các chế tài mà họ coi là bất hợp pháp.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ ra tại cuộc họp BRICS rằng ông cũng quan tâm. Ông Modi nói: “Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực tăng cường hội nhập tài chính giữa các quốc gia BRICS. Giao dịch bằng tiền tệ địa phương và thanh toán xuyên biên giới thông suốt sẽ củng cố hợp tác kinh tế của chúng tôi”.

Chủ tịch Viện Duma Nga Vyachaslav Volodin, viết trên Telegram trước cuộc họp kéo dài hai ngày rằng các ưu tiên của BRICS phản ánh sự chia rẽ giữa phương Tây và phương Nam. “Thời kỳ bá quyền của Washington và Brussels đang qua đi. Các quốc gia chọn con đường đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi vì lợi ích của người dân, chứ không phải để làm hài lòng Hoa Kỳ và tay sai của họ”, ông nói.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ không lo ngại.

“Chúng tôi không thấy BRICS tiến triển thành một loại đối thủ địa chính trị nào đó. Đó không phải là cách chúng tôi nhìn nhận vấn đề này... đối với Hoa Kỳ hay bất kỳ ai khác”, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói tại một cuộc họp báo ngày 21/10.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau hôm 23/10 bên lề cuộc họp BRICS, báo hiệu sự tan băng trong quan hệ giữa hai quốc gia đôi khi đối đầu nhau mà một số nhà phân tích cho rằng có thể có những tác động về mặt địa chính trị.

Hai ngày trước cuộc họp BRICS, các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí giải quyết vấn đề gây tranh cãi về việc quân đội của họ tuần tra dọc biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. Mục tiêu là đảm bảo rằng cả hai bên rút quân khỏi các vị trí tiền tiêu ở các khu vực tranh chấp và quay trở lại tình hình trước cuộc xung đột biên giới gần đây nhất vào năm 2020.

“Chúng tôi hoan nghênh sự đồng thuận đạt được về các vấn đề phát sinh trong 4 năm qua dọc biên giới. Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo có hòa bình và ổn định dọc biên giới của chúng tôi”, ông Modi nói với ông Tập trong những phút đầu tiên của cuộc họp được truyền hình trực tiếp. Ông Tập trả lời rằng sự xích lại gần nhau là “vì lợi ích cơ bản của cả hai nước”.

Các nhà phân tích đang cố gắng đánh giá điều gì đã thúc đẩy Ấn Độ tìm cách xích lại gần hơn với Bắc Kinh trong khi nước này có mối liên hệ chặt chẽ với các thỏa thuận do Hoa Kỳ đứng đầu nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ấn Độ đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD) do Washington dẫn đầu với sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Trung Quốc coi QUAD, tổ chức thường xuyên tập trận giữa quân đội của bốn nước thành viên, là một nhóm có ý định làm tổn hại đến lợi ích của mình.

“Trở thành một phần của QUAD không giúp ích gì cho Ấn Độ, quốc gia cần sự hỗ trợ để chống lại thách thức quân sự của Trung Quốc tại khu vực dãy núi Himalaya. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang phát triển mối quan hệ với Pakistan, điều này đi ngược lại lợi ích của Ấn Độ”, ông P. Stobdan, nguyên là nhà ngoại giao Ấn Độ, nói với VOA.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Lâm Mẫn Vương, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Phục Đán, cho rằng Ấn Độ đang tìm cách hòa giải với Trung Quốc vì Hoa Kỳ không ủng hộ nỗ lực phát triển lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ.

“Chính sách của Ấn Độ nhằm mục đích tách khỏi Trung Quốc đã không thu hút được sự ủng hộ có ý nghĩa từ phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo để hỗ trợ ‘Made in India’ và quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa của đất nước”, ông Lâm nói. “Điều này chứng tỏ rằng Ấn Độ không thể hưởng lợi từ việc thù địch hoặc tách khỏi Trung Quốc, và thậm chí còn khiến Ấn Độ khó thực hiện được sự phát triển của riêng mình”, ông nói thêm.

Một số chuyên gia tin rằng Hoa Kỳ sẽ không ngạc nhiên.

“Hoa Kỳ đã biết từ lâu rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ kết nối vào một thời điểm nào đó. Có những lý do chính trị và kinh tế mạnh mẽ để họ hợp tác với nhau”, ông Manoranjan Mohanty, một chuyên gia về Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, nhận định.