Một số nhà hoạt động Hàn Quốc thả truyền đơn bằng plastic kêu gọi dân chủ, tranh hí họa chế nhạo nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một vài đồng đô la, hoặc gửi các USB chứa nội dung phim ảnh kịch nghệ của Hàn Quốc hay những bộ phim tài liệu ngắn phơi bày sự giàu có của các công ty Hàn Quốc sang miền Bắc để dân Bắc Triều Tiên có thể thấy được đời sống tốt đẹp tại miền Nam.
Những người này tự nhận là chiến sĩ trong cuộc chiến thầm lặng với Bắc Triều Tiên. Họ là tập họp của những nhà hoạt động đa dạng chiến đấu chống lại quốc gia cô lập nhất trên thế giới. Phương tiện chủ yếu của họ đa phần là những khinh khí cầu tự chế.
Có người cho rằng đây là những chiến dịch viễn vông, vô nghĩa. Có người miệt thị họ là lập dị gây chú ý bằng cách bỏ thời gian phỉ báng những người khác.
Tuy nhiên, những nhà hoạt động này, từ bên kia biên giới, nhìn thấy một quốc gia mà họ tin là đang thay đổi.
“Cách hay nhất lật đổ một chế độ là thay đổi nhận thức của con người,” theo lời ông Park Sang Hak, một người đào tị từ Bắc Triều Tiên hiện điều hành tổ chức Chiến binh cho một Bắc Triều Tiên Tự do. Tổ chức này có một văn phòng nhỏ tại Seoul. Mỗi năm họ gởi hàng ngàn truyền đơn plastic qua biên giới. Sợ bị Bình Nhưỡng trả thù, đi đâu ông cũng có một cận vệ cảnh sát.
“Mọi người ở đó bắt đầu tự vấn về cuộc sống của mình,” ông nói, với sự lan truyền thông tin từ bên ngoài để mở mắt cho họ rằng đời sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc dễ thở hơn.
Những cái họ gửi sang miền Bắc chẳng hạn như tranh hí họa hay kịch nghệ xem ra chẳng có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nhiều học giả và những người tị nạn Bắc Triều Tiên nói thông tin từ bên ngoài giúp thay đổi nhiều, từ những tiếng lóng hội thoại cho đến gu thời trang và nhu cầu ngày càng tăng về hàng tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường đang mở.
Dù các nhà hoạt động thường bất đồng về nội dung các phẩm vật gửi sang miền Bắc, nhưng tất cả họ đều xem mình là những chiến binh tạo nên những thay đổi.
“Bắc Triều Tiên tiếp tục kiểm soát bằng cách ngăn chặn thông tin bên ngoài,” ông Lee Min Bok, một người Bắc Triều Tiên đào thoát sau khi nhặt được những truyền đơn cách đây 30 năm. Trong gần 15 năm qua, ông đã gởi các truyền đơn sang miền Bắc. Ông nói “Để hủy diệt Bắc Triều Tiên một cách hòa bình, cần đổ vào nước này làn sóng thông tin.”
Bình Nhưỡng dù lên án hành động này nhưng chính họ cũng gửi hàng ngàn truyền đơn ngược lại sang miền Nam mỗi năm.