Hàn Quốc hôm thứ Hai 17/7 đề nghị đàm phán quân sự và đoàn tụ gia đình với Bắc Triều Tiên để giảm nguy cơ xung đột ngày càng tăng về việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Seo Joo-seok hôm thứ Hai phát biểu: "Bộ Quốc phòng đề nghị mở đàm phán quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vào ngày 21/7 tại tòa nhà hành chính Tongilgak ở Bắc Triều Tiên, để ngăn chặn mọi hành động thù địch làm gia tăng căng thẳng quân sự ở biên giới."
Đàm phán quân sự
Tongilgak là một tòa nhà Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở vùng biên giới được trước đây được sử dụng cho các cuộc đàm phán liên Triều. Các cuộc họp cấp chính phủ được tổ chức gần đây nhất là vào tháng 12/2015.
Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5 năm nay, chính phủ của ông đã cố gắng tiếp xúc với Bắc Triều Tiên để giảm căng thẳng, kể cả đề nghị viện trợ nhân đạo, trao đổi phi chính trị và khôi phục đường dây nóng quân sự liên Triều mà Bình Nhưỡng cắt đứt hồi đầu năm 2016, sau khi Seoul đóng cửa khu phức hợp công nghiệp Kaesong để trừng phạt Bắc Triều Tiên về các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.
Cho tới nay, chính quyền Kim Jong Un đã bác bỏ hầu hết các đề xuất này.
Bắc Triều Tiên kêu gọi đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nhà phân tích các vấn đề Bắc Triều Tiên Daniel Pinkston thuộc đại học Troy nói khó có khả năng điều này xảy ra bởi vì Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo, kể cả vụ phóng tên lửa hôm 4/7 mà một số chuyên gia cho là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm phóng có thể vươn tới bang Alaska, mặc dù Mỹ bác bỏ khả năng này.
Ngoài ra tin nói rằng Bắc Hàn đã gia tăng hoạt động tại cơ sở làm giàu uranium Yongbyon, có thể là dấu hiệu cho thấy việc sản xuất plutonium đã được tiến hành trong năm qua để tiếp tục tăng kho vũ khí hạt nhân của miền Bắc.
Đoàn tụ gia đình
Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc hôm thứ Hai đề nghị mở đàm phán với Bắc Triều Tiên vào tháng 8 tới đây để giàn xếp các cuộc đoàn tụ cho các thành viên gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950-53, với hy vọng lên kế hoạch cho các cuộc đoàn tụ vào tháng 10, nhân kỳ nghỉ lễ Chuseol, còn gọi là lễ Trung thu Hàn Quốc.
Ông Kim Sun-hyang, quyền chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, nói: "Gặp mặt những người thân trong gia đình trong khi họ còn sống phải được đặt vào ưu tiên cao hơn bất kỳ mối quan tâm chính trị nào khác.”
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đòi Seoul trao lại cho họ 12 nữ hầu bàn đã đào tị sang miền Nam hồi năm ngoái, trước khi đồng ý tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình. Bắc Triều Tiên nói Hàn Quốc đã bắt cóc 12 người phục vụ và quản lý nhà hàng và đòi họ trả người, nhưng phía Hàn Quốc cho biết nhóm này đã tự nguyện đào tị.
Trừng phạt
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết những đề xuất mới nhất phù hợp với chính sách song song của Tổng thống Moon Jae-in, vừa theo đuổi sự hợp tác với chính quyền Kim Jong Un, vừa hỗ trợ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ để áp lực Bình Nhưỡng ngưng các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun nói: "Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ cố thuyết phục Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp khả thi, như trừng phạt và đàm phán."
Theo các viên chức Mỹ, trong khi ông Cho nói không có "sự tách biệt" giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, Washington vẫn tiếp tục nhấn mạnh giải pháp tăng áp lực hơn là đối thoại và đang chuẩn bị các biện pháp chế tài mới đối với các ngân hàng và các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.