Đài Loan sẽ bầu ra một vị tân tổng thống và một quốc hội mới vào ngày thứ bảy này và các cử tri trẻ tuổi dự kiến sẽ nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc chạy đua. Theo tường thuật do thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về từ Đài Bắc, giới trẻ Đài Loan trong những năm gần đây đã tích cực tham gia các sinh hoạt chính trị và họ cảm thấy hãnh diện về một căn cước riêng của người dân Đài Loan trong lúc không tán thành việc siết chặt những mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc Đại Lục.
Bà Tăng Bách Du là nữ ứng cử viên quốc hội trẻ tuổi nhất trong cuộc bầu cử năm nay và là một nhân vật tiêu biểu của giới trẻ Đài Loan đang tích cực tham gia các hoạt động chính trị.
Ứng cử viên của liên minh giữa Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội Đài Loan phát biểu như sau.
"Tôi tin rằng các ứng cử viên trẻ có những điểm mạnh và những điểm yếu. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục cử tri là một người 24 tuổi có thể góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống."
Bà Tăng Bách Du thuộc một liên minh lỏng lẻo của các đảng mới được gọi là Lực lượng Thứ ba. Đảng của bà không hợp tác với Đảng Dân Tiến hay với ứng cử viên của đảng này là bà Thái Anh Văn, người đang dẫn đầu cuộc chạy đua giành chức tổng thống.
Nhưng ông Freddy Lim và Đảng Lực lượng Thời đại của ông về phe Đảng Dân Tiến và có thể giúp đảng đối lập này giành quyền kiểm soát Viện Lập pháp.
Freddy Lim là ca sĩ chính của ban nhạc rock Chthonic. Lập trường của ông, cũng như của Đảng Lực lượng Thời đại, là Đài Loan nên độc lập.
"Trên thực tế, Đài Loan là một nước. Chỉ có điều là cộng đồng quốc tế không công nhận sự độc lập đó và bởi vì những lý do chính trị quốc nội và pháp lý, như hiến pháp chẳng hạn, cho nên chúng tôi cứ phải ở mãi trong tình trạng không rõ ràng và kỳ quái."
Những cử tri trẻ tuổi ở Đài Loan, trong một thời gian rất lâu, đã nằm ở bên lề chính trường, nhưng năm nay họ tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Các nhà phân tích cho rằng có hai lý do.
Thứ nhất là họ không thấy có nhiều lợi ích kinh tế từ chính sách của chính phủ Quốc Dân Đảng đương quyền nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc Đại Lục. Thứ nhì là họ có một nhận thức mạnh mẽ hơn về căn cước riêng của người dân Đài Loan.
Ông Ngô Ngọc San, một nhà nghiên cứu chính trị của Viện Nghiên cứu Trung ương ở Đài Loan, nhận định như sau.
"Về mặt ý thức hệ, họ không tán thành những chủ trương của Quốc Dân Đảng liên quan tới vấn đề Hoa Lục. Họ cũng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế trong một tình huống mà Quốc Dân Đảng đã góp phần tạo ra."
Những sinh viên tụ tập bên ngoài cổng trường của Đại học Quốc gia Đài Loan hy vọng là cuộc bầu cử lần này sẽ mang lại những sự thay đổi.
Một sinh viên không muốn nêu danh tánh phát biểu như sau.
"Chúng tôi lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và đồng thời chúng tôi có lẽ đã không chú trọng đúng mức tới các thị trường khác."
Anh Quách Vũ Tường, một sinh viên của Đại học Đài Loan, bày tỏ cảm nghĩ như sau.
"Tôi hy vọng là những ứng cử viên đác cử sẽ chú trọng nhiều hơn tới văn hoá bản địa của Đài Loan và nên kinh tế của Đài Loan."
Cuộc bầu cử được xem là rất quan trọng cho tương lai của đảo quốc này sẽ diễn ra vào thứ bảy tới đây.