Một khảo sát gần đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc một trung tâm nghiên cứu ở Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục thực hiện việc nâng cấp trên các thực thể mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Khảo sát mới nhất của AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, nói rằng trong vòng sáu tháng, từ tháng 10/2021 đến 3/2022, Việt Nam đã tham gia vào hoạt động nạo vét và đắp nổi mới tại ba địa điểm mà họ chiếm đóng ở quần đảo này. Khảo sát được đưa ra cuối tháng trước còn cho biết Việt Nam đã tiếp tục các hoạt động nâng cấp nhẹ và xây dựng các tòa nhà mới trên một số tiền đồn tại quần đảo mà Đài Loan cũng tranh chấp chủ quyền.
Tuy nhiên việc nâng cấp và mở rộng các đảo của Việt Nam, theo CSIS, là nhỏ so với quy mô xây dựng rất lớn trên các đảo của Trung Quốc từ năm 2013 đến 2016. Mặc dù vậy, khảo sát của trung tâm này đánh giá rằng những hoạt động của Việt Nam gần đây đánh dấu một sự tăng tốc nhẹ về tốc độ cải thiện đối với các cơ sở của họ ở quần đảo Trường Sa. Điều này, theo CSIS, có thể khiến Hà Nội hứng chịu những lời chỉ trích từ Bắc Kinh và các bên khác.
CSIS cho biết các khảo sát sắp tới của AMTI sẽ cho thấy Việt Nam không phải là bên tranh chấp duy nhất vẫn đang tiến hành xây dựng mới ở Trường Sa.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, còn có Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền về quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết quần đảo này bằng đường lưỡi bò “9 đoạn” đã bị một tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ trong một phán quyết đưa ra hồi tháng 7/2016. Trong khi đó, Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất tại Trường Sa, và Philippines chiếm đóng 8 đảo thuộc quần đảo này.
Malaysia, nước có tranh chấp trên thực tế muộn nhất ở quần đảo Trường Sa, chiếm đóng 5 bãi đá và bãi cạn trong khi Brunei là quốc gia duy nhất có tuyên bố chủ quyền về quần đảo này nhưng không chiếm đóng đảo nào.
Theo khảo sát của AMTI, Việt Nam bắt đầu công việc nạo vét và đắp nổi tại ba thực thể – gồm gồm đảo Phan Vinh, đảo Nam Yết, và đảo Sơn Ca – từ tháng 10 năm ngoái. Dựa theo các hình ảnh vệ tinh mà CSIS thu được, báo cáo này cho biết hai đảo Phan Vinh và Nam Yết đã được bồi thêm khoảng 50 mẫu Anh (hơn 202.000 m2) đất mỗi đão, trong khi Đảo Sơn Ca được đắp thêm chỉ 7 mẫu Anh (hơn 28.000 m2).
Việt Nam dường như nạo vét một bến cảng nhỏ tại mỗi cơ sở này với các kênh tiếp cận cắt qua các rạn san hô ở vùng nước sâu hơn, theo khảo sát của AMTI. CSIS cũng nhận định rằng đây là kiểu nâng cấp mà Việt Nam đã thực hiện ở tất cả các tiền đồn lớn hơn của mình trong những năm gần đây.
Các khảo sát trước đây của AMTI cho rằng việc nâng cấp của Việt Nam ở Trường Sa diễn ra “chậm mà chắc”.
AMTI là một chương trình nguồn kiến thức tương tác được cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp thông tin hướng tới mục tiêu thúc đẩy tính minh bạch trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn hành vi gây hấn và xung đột.
Việt Nam chưa bao giờ công khai cho biết các hoạt động nâng cấp hay mở rộng trên các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng theo CSIS, Việt Nam đã tiến hành cải tạo tại 10 đá ngầm và đảo nhỏ mà Việt Nam giữ quyền kiểm soát trước chiến dịch xây dựng đảo của Trung Quốc.
Tổng cộng, Việt Nam đã cải tạo hơn 120 mẫu Anh (hơn 485.000 m2) đất mới tại những thực thể này. Trung tâm CSIS nhận định rằng, ngoài việc chỉ thực hiện chưa đến 4% so với quy mô hoạt động cải tạo của Bắc Kinh, các phương pháp mà Hà Nội sử dụng ít mang tính hủy hoại hơn nhiều.