Đường dẫn truy cập

Sách lịch sử hải quân Việt Nam chứa bằng chứng về lệnh không nổ súng ở Gạc Ma


Một đoạn trong trang 283 của sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955-2015) do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2015.
Một đoạn trong trang 283 của sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955-2015) do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2015.

Một cuốn sách chính thức của quân đội Việt Nam chứa đựng thông tin nói rằng các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã nhận lệnh “không nổ súng” khi họ cố gắng bảo vệ đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa hồi năm 1988.

Theo tìm hiểu của VOA, thông tin này được đăng ở trang 283 trong cuốn sách dày 423 trang mang tên Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955-2015) do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2015.

Nội dung cuốn sách cũng được đăng ở định dạng tài liệu di động (PDF) trên trang điện tử của báo Hải quân Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Lâu nay vẫn có nhiều tranh cãi trong dư luận Việt Nam về tính thực hư của “lệnh không nổ súng” liên quan đến vụ đụng độ giữa hải quân hai nước Việt Nam, Trung Quốc cách đây 34 năm, theo quan sát của VOA. Trong vụ đụng độ ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc đã chiếm đá Gạc Ma và một số thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa mà lúc đó Việt Nam cố giữ quyền kiểm soát.

Giờ đây, thông tin về “lệnh không nổ súng” trở nên sáng tỏ hơn khi bác sĩ-cựu chiến binh Nguyễn Hà và võ sư-nhà báo Đoàn Bảo Châu tìm ra bằng chứng trong tài liệu chính thống của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam và đăng lên Facebook của ông Châu có hơn 142.000 người theo dõi.

Về sự kiện Gạc Mac, sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955-2015) viết rằng Việt Nam cử hai tàu hải quân HQ604 và HQ505 tiến đến thực hiện nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Gạc Ma và Cô Lin vào ngày 13/3/1988.

Phối hợp với hai tàu này là “2 phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 và 4 chiến sĩ đo đạc và biên vẽ bản đồ”, theo cuốn sách.

Trong đêm đó, lực lượng nêu trên đổ bộ lên đá Gạc Ma, cắm quốc kỳ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ bãi đá, cuốn sách tường thuật lại.

Vào lúc gần 5 giờ sáng 14/3/1988, có 3 tàu hải quân Trung Quốc đe dọa lực lượng bên phía Việt Nam. Đối mặt với tình hình như vậy, “Ban chỉ huy tàu HQ604 họp nhận định tàu Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến, không nổ súng nhưng phải quyết tâm bảo vệ Gạc Ma”, sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam kể lại ở trang 283.

Sau đó là đụng độ trực tiếp giữa binh lính hai nước Việt Nam, Trung Quốc trên bãi đá, kết thúc bằng việc lính Trung Quốc rút về tàu của họ rồi hai tàu của Trung Quốc “điên cuồng dùng pháo bắn dã man vào tàu HQ604, làm cho tàu bốc cháy, chìm tại phía Nam bãi đá Gạc Ma”, với nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt Nam “anh dũng hy sinh”, vẫn sách của quân đội Việt Nam viết.

Về toàn bộ sự kiện ngày 14/3/1988, sách tổng kết lại rằng tàu của Trung Quốc đã bắn cháy và làm chìm 3 tàu của Việt Nam. Trong số các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia cuộc đụng độ, có “64 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương”, sách viết.

Sau khi dẫn ra bằng chứng về “lệnh không nổ súng” trong vụ Gạc Ma, cựu chiến binh Nguyễn Hà, Facebooker nổi tiếng Đoàn Bảo Châu và nhiều người khác vẫn đặt ra thắc mắc rằng “rõ ràng có phương án tác chiến KHÔNG NỔ SÚNG, nhưng đó là phương án tác chiến của cấp nào đưa ra, dựa vào chỉ thị nào, của cấp nào???”

Kể từ khi sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955-2015) được xuất bản đến nay đã hơn 7 năm trôi qua, nhưng vẫn chưa có thông tin chính thống của nhà nước Việt Nam về nhân vật lãnh đạo nào đã ra lệnh không nổ súng hồi năm 1988.

VOA Express

XS
SM
MD
LG