Công ước Tị nạn tròn 70 tuổi

Một đứa bé Rohingya tại trại tị nạn của người Rohingya tại sông Yamuna ở biên giới với New Delhi. Hình minh họa.

Ngày 28 tháng 7 vừa qua đánh dấu 70 năm Công ước Tị nạn 1951 (The 1951 Refugee Convention), hay còn gọi là Công ước Liên quan đến Tình trạng Tị nạn (Convention Relating To The Status Of Refugees) được thông qua sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Geneva kéo dài từ ngày 2 đến 25 tháng 7 năm 1951. Công ước Tị nạn chính thức có hiệu lực vào ngày 22 tháng 4 năm 1954, lúc đó chỉ có 19 trong 146 quốc gia ký kết.

Công ước Tị nạn ra đời gần 2 năm rưỡi sau bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ 1948). Lúc bấy giờ, nhu cầu để bảo vệ người tị nạn chủ yếu giới hạn đối với những người chạy trốn trước ngày 1 tháng 1 năm 1951 và trong phạm vi châu Âu thôi. Các biến cố này đã thôi thúc Hội đồng LHQ tìm biện pháp lâu dài. Công ước Tị nạn đến từ Điều 14 trong TNQTNQ, có ghi rằng:

14.1 Khi bị đàn áp, mọi người đều có quyền tìm tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.

14.2 Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Công ước Tị nạn 1951 ra đời là kết quả thực tiễn để tìm giải pháp. Công ước định nghĩa từ ‘tị nạn’ là gì, khẳng định các quyền của họ, và những ràng buộc có tính cách pháp lý đối với các quốc gia cam kết bảo vệ. Nguyên tắc cốt lõi của Công ước là không trả về (non-refoulement), khẳng định rằng một người tị nạn không thể bị trả về lại một quốc gia nơi họ phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống hoặc sự tự do của họ. Trang nhà của UNHCR có để hình của John Peters Humphrey, tác giả chính của TNQTNQ, lúc đó giữ vai trò Giám đốc Bộ Nhân Quyền của LHQ, đã ngồi ký vào công ước mang tính lịch sử này vào năm 1951.

Nhưng tình hình thế giới đã biến chuyển nhiều kể từ năm 1951, trong khi Công ước Tị nạn 1951 chỉ có giá trị đối với những người muốn xin tị nạn từ châu Âu và trước ngày 1 tháng 1 năm 1951. Do đó, Công ước này đã được tu chính vào năm 1967, có hiệu lực vào ngày 4 tháng 10 năm 1967, có tên Quy định Liên quan đến Tình trạng Người Tị nạn (Protocol Relating To The Status Of Refugees). Quy định này loại bỏ những giới hạn về không gian và thời gian để có tính cách toàn cầu, áp dụng cho bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có sự đàn áp nhân quyền xảy ra.

Kể từ năm 1951, và nhất là từ năm 1967, Công ước và Quy định này, nền tảng pháp lý để bảo vệ người tị nạn khắp nơi, đã thật sự bảo vệ và cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Tinh thần và nguyên tắc cơ bản của nó tiếp tục mang tính hệ trọng cho tất cả những ai bị đàn áp vì lý do chính trị, tôn giáo, sắc tộc, hay vì là thành viên của một nhóm xã hội nào đó (member of a particular social group/PSG), như phái tính, chẳng hạn.

Nếu nhân loại không có Công ước và Quy định này thì tôi thật sự không biết những người bị đàn áp khắp nơi sẽ phải sống ra sao trong suốt 70 năm qua. Đặc biệt có hàng triệu người tị nạn chính trị từ Việt Nam.

Theo UNHCR, hiện nay có 82.4 triệu người trên thế giới đang bị cưỡng bách di tản, trong đó có 20.7 triệu người được chính thức công nhận là người tị nạn nhưng chưa được định cư tại nước thứ ba. Người tầm trú chiếm 4.1 triệu, người bị di tản ngay trong quốc gia mình chiếm 48 triệu, 5.7 triệu người Palestine, 3.9 triệu người Venezuala bị di tản ngoài quốc gia mình. Người Rohingya, từ Miến Điện, chiếm 1.1 triệu, phần lớn đang ở Bangladesh.

Hiện tại, theo Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commission for Refugee), hơn một triệu người Rohingya đang ở các trại tị nạn ở Bangladesh kể từ đầu thập niên 1990, trong đó có hơn 742,000 người đã rời bỏ Miến Điện kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2017. Tình trạng của người Rohingya càng trở nên bất định hơn, nhất là sau cuộc đảo chánh của quân phiệt Miến ngày 1 tháng 2 năm nay. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang hoành hành Bangladesh, với 9,369 ca nhiễm và 218 tử vong vào ngày cuối tháng 7. Vaccine rất khan hiếm, ngay cả Sinovac hay Sinopharm, không đủ để dùng cho người dân tại đây, nên nó không phải là ưu tiên cho người tị nạn Rohingya. Trong số 884,000 người Rohingya sống tại trại tị nạn lớn nhất trên thế giới này, ở Cox's Bazar, không có bao nhiêu người được chích ngừa. Nhưng từ ngày 10 tháng 8 tới đây, người cao niên Rohingya trên 55 tuổi, khoảng 47,240 người, sẽ được ưu tiên chích ngừa.

Nhìn tình trạng của người Rohingya hôm nay, tôi liên tưởng đến hoàn cảnh người Việt tị nạn vào các thập niên 1970 đến 1990.

Theo báo cáo của UNHCR thì phần lớn người tị nạn Đông Dương, tức từ Việt Nam, Lào và Campuchia, đi đường bộ đến Thái Lan, hay đi bằng thuyền đến Hồng Kông, Phi, Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Nhật Bản, Nam Hàn. Cũng có một số nhỏ đi bằng thuyền đến thẳng Úc, trong đó có cựu Toàn quyền Nam Úc ông Lê Văn Hiếu. Đến giữa năm 1979 thì đã có con số khổng lồ 550,000 người Đông Dương đi tìm tị nạn tại Đông Nam Á. Khi những người đầu tiên từ Đông Dương đi tìm tị nạn vào năm 1975, chi phí của UNHCR lúc đó chỉ khoảng 80 triệu cho toàn cầu, nhưng vào năm 1980, nó tăng lên đến 500 triệu đô la. Đến năm 1989, khi các trại tị nạn tại Đông Nam Á bắt đầu đóng cửa, kể cả Hồng Kông, thì vẫn có đến 70,000 người Việt đi tìm tị nạn tại Đông Nam Á (so với năm 1992 thì chỉ có 41 người). Từ năm 1975 đến 1995, UNHCR cho biết 796,000 thuyền nhân Việt Nam đến các nước trong vùng, và 42,918 người đến Thái Lan bằng đường bộ. Tổng cộng số người tị nạn từ Đông Dương trong 20 năm này là 1,436,556 người. Số người được định cư là 1,311,183 người. Số người bị hải tặc hãm hiếp không thể biết được chính xác. Chỉ nội trong năm 1981, 349 trên 452 thuyền đến Thái đã bị tấn công, trung bình 3 lần, trong đó có 578 người bị hãm hiếp, 228 bị bắt cóc, 881 bị mất tích. Số người chết trên biển trên đường bộ thì không thể biết chính xác là bao nhiêu. Cho đến nay ước đoán ba hay bốn trăm ngàn người như thế.

Nhưng mãi cho đến 10 năm sau đó thì số phận người tị nạn Việt Nam mới được hoàn toàn giải quyết. Theo Bram Steen thuộc UNHCR Malaysia, vào ngày 30 tháng 8 năm 2005, người Việt tị nạn sau cùng trong hơn 250,000 người từng sống tại Mã Lai đã rời đây. 240,000 người đã được định cư tại nước thứ ba, khoảng 9,000 chọn về lại Việt Nam.

Điều đáng buồn là hiện nay, vẫn có người Việt đi tìm tị nạn tại châu Á và nhiều nơi khác, đặc biệt còn một số người kẹt lại tại các trại tị nạn ở Thái Lan.

Trải qua bao nhiêu mất mát đau thương, người Việt tị nạn đã hội nhập khá thành công vào đời sống mới trên quê hương thứ hai. Nhưng vào chính lúc này, vẫn có hàng chục triệu người sống trong các trại tị nạn và hàng chục triệu khác bị buộc phải rời quê hương của mình ở khắp nơi trên thế giới. Quả là số người xin tị nạn quá lớn trong khi các quốc gia nhận vào không nhiều, và nếu có nhận thì con số cũng khiêm nhường.

Ngày 28 tháng 7 hàng năm nhắc nhở thân phận tị nạn của hàng chục triệu người trên thế giới trong suốt 70 năm qua, trong đó có người Việt, đã phải quyết định rời bỏ quê hương mình. Nếu không có Công ước và Quy định này thì số phận của người dân bị chính quyền của mình đàn áp sẽ vô cùng bi thảm.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nước nhớ nguồn

Tất cả những nơi người tị nạn đặt chân đến, chúng ta không thể nào quên được những người đã có công lớn dựng lên Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, như John Humphrey và Eleanor Roosevelt, thúc đẩy hình thành các Công ước và Quy định về người tị nạn năm 1951 và 1967, cũng như các quốc gia thành viên của LHQ đã cam kết bảo vệ và cứu sống những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hàng triệu người Việt chúng ta. Một trong những cách đền đáp hiệu quả là góp phần vào xây dựng quốc gia đã cưu mang mình, góp công của với UNHCR nếu có khả năng, và đừng quên những người đến sau chúng ta. Những người đang bị kẹt lại trong các trại tị nạn rải rác trên toàn thế giới hiện nay.