Đường dẫn truy cập

Tội phạm: Công lý và cơ hội


Theo nhật báo The Sydney Morning Herald thì cựu Thủ tướng Kevin Rudd có ông cố nội đời thứ 4, tên Thomas Rudd, cũng là một tội phạm, được đưa đến Úc năm 1801 vì ăn cắp một bao đường.
Theo nhật báo The Sydney Morning Herald thì cựu Thủ tướng Kevin Rudd có ông cố nội đời thứ 4, tên Thomas Rudd, cũng là một tội phạm, được đưa đến Úc năm 1801 vì ăn cắp một bao đường.

Cuối tuần trước, nhân dịp hai con được hai tuần nghỉ học, gia đình nhỏ bé của chúng tôi có dịp cùng nhau đi nghỉ đông. Tiếng Việt của mình thì có chữ nghỉ hè, nên nói chữ nghỉ đông chắc nghe hơi lạ tai. Nhưng hiện nay đang là mùa đông nơi tôi ở. Tháng 6, 7 và 8 là lạnh nhất, đặc biệt là tháng 7.

Thị trấn chúng tôi đến có tên là Echuca, thuộc tiểu bang Victoria (VIC). Vào tuần đi chơi này thì tình hình Covid-19 của Victoria đang tốt, không còn bị phong tỏa, chỉ bị một số giới hạn. Trong khi đó, tiểu bang New South Wales (NSW) thì vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa trong vài tuần qua, nên việc đi lại rất giới hạn. Echuca nằm ngay biên giới VIC và NSW, cách thành phố Melbourne 200 cây số, cách Sydney 780 cây số. .

Đến Echuca vào cuối tuần, chắc là trùng thời gian học sinh nghỉ đông, do đó người dân đi du lịch đến đây cũng nhiều. Không khí ở đây thấy nhộn nhịp hẳn. Đi qua bên kia biên giới, mà chỉ là qua chiếc cầu Echuca-Moama, là thị trấn Moama. Qua bên cầu thì thấy hàng chữ Welcome to NSW; về lại thì thấy Welcome to Victoria. Kể cũng vui, vì trong vài ngày mà vượt biên giới bao nhiêu lần. Cách quản lý dịch bệnh của hai tiểu bang cũng khác chút, tuy không đáng kể giữa hai thị trấn sát kề nhau. Bên Victoria thì phải dùng QR Scan để check-in bất cứ nơi nào đến, để có gì họ biết truy ra và ngăn chặn nếu có tiếp xúc với người bị Covid-19. Còn bên NSW thì không chỉ check-in mà khi ra khỏi nơi đó cũng phải check-out. Nó cho thấy cách quản lý rất kỹ lưỡng của NSW. Có lẽ vì thế mà NSW đã quản lý Covid-19 tốt hơn chăng?

Chúng tôi đi khám phá thị trấn nhỏ bé này dọc con sông Murray-Darling. Murray là con sông dài thứ 16 trên thế giới, 2520 cây số, đi xuyên qua ba tiểu bang Nam Úc, NSW và VIC. Darling là con sông dài 730 cây số, đi xuyên qua hai tiểu bang Queensland (QLD) và NSW. Hơn 2.2 triệu dân Úc, tức gần 10% dân số, sống trong lưu vực của hai con sông này. Úc là một quốc gia sản xuất nông phẩm đủ loại và xuất khẩu đi khắp nơi, trị giá 44.7 tỷ đô la vào năm 2016. Lưu vực của hai con sông này đã sản xuất 40% nông phẩm toàn nước, trong đó 100% gạo được nuôi trồng tại đây.

Gia đình chúng tôi đến Trung tâm Khám phá (Discovery Centre) của Bến tàu Echuca để tìm hiểu thêm về lịch sử của nơi này. Đây là một viện bảo tàng nhỏ, bảo quản lại các di tích, di vật đã có từ đầu thế kỷ 19. Câu chuyện đập vào mắt của tôi nhất tại đây là về nhân vật tên Henry Hopwood (1813-1869).

Hopwood sinh năm 1813 tại Bolton, Lancashire, Anh quốc. Năm 1834 Hopwood bị bắt giam vì tội nhận các cuốn vải lụa bị ăn trộm. Ông bị đầy 14 năm sang tiểu bang Tasmania, Úc. Thông tin từ trung tâm này cho biết, là người có tính cách thuyết phục, xảo quyệt và thao túng, Hopwood đã phấn đấu để trở thành một cảnh sát viên trong vòng một năm khi đến nơi này. Tuy nhiên không lâu sâu đó, Hopwood lại gặp vấn đề lần nữa và bị giam tù thêm 2 năm tại Port Arthur, Tasmania. Hopwood được trả tự do, và vào năm 1846, ông được ân xá hoàn toàn sau khi thụ lãnh 12 năm trên 14 năm án.

Được mãn án, Hopwood đã đến Echuca, xây dựng các nhà trọ để cho những người đến đó làm việc mướn. Hopwood cũng bắt đầu xây thuyền chở người và hàng hóa sang sông. Lúc đó chưa có chiếc cầu nối liền hai thị trấn Echuca – Moama, được hoàn tất xây dựng vào năm 1878. (Hiện tại chiếc cầu thứ hai đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu giao thông và giao thương giữa hai thị trấn/tiểu bang này). Vào thời đó, phương tiện giao thông phổ biến vẫn là thuyền bè trên giòng sông này, để đưa người và vận chuyển hàng hóa. Phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là xe ngựa, lúc đó chưa có xe máy, còn tàu lửa thì giới hạn. Đầu năm 1854, thị trấn Echuca đã được khảo sát và đặt tên, và đợt bán đất đầu tiên được tổ chức vào tháng 4, mà Hopwood là một nhà thầu nhạy bén. Vào tháng 1 năm 1855, ông trở thành giám đốc bưu điện tại phà Hopwood; đến tháng Ba, ông đã mở một tiệm bán thịt, tiệm bánh và các công trình nấu sôi, và đến tháng mười một thì mở một cửa hàng sắt lớn. Hopwood xây khách sạn, chở người và hàng sang sông, và một mình phát triển nhánh sông này thành một thị trấn nhỏ, có cầu phao, tờ báo và một trường học.

Ngày nay, ai đến thăm thị trấn này thì sẽ thấy và biết về những gì Hopwood đã đóng góp tại đây, kể cả khách sạn Bridge Hotel và nhà hàng bên cạnh bờ sông, vẫn còn đang hoạt động.

Câu chuyện của Hopwood, một tội phạm trở thành thương gia thành công, xây dựng lên cả một thị trấn Echuca như thế, thật là đáng suy ngẫm. Những câu chuyện tội phạm như Hopwood tại Úc thật ra rất nhiều. Nước Úc có thể được ví như một nơi lý tưởng để Anh quốc vận chuyển các tội phạm tại Anh sang đây, đặc biệt sau khi Mỹ không còn nhận tội phạm từ Anh nữa từ khi trở thành độc lập.

Theo Viện Bảo tàng Úc thì giữa năm 1788 đến 1868, tức 80 năm, có đến 162,000 tội phạm từ Anh và Ireland được chuyển đến Úc. Năm 1833 là nhiều nhất, có đến 7,000 người đến đây. Họ được vận chuyển đến đây để góp phần xây dựng một thuộc địa mới này. Khi xong bản án, họ có thể về lại xứ sở của họ, nhưng phần lớn quyết định ở lại và một số đã trở thành những người định cư thành công. Trước Úc, các bang thuộc địa của Mỹ cũng là địa điểm chính cho việc tù đầy/vận chuyển tội phạm vào thế kỷ 18. Đến năm 1775, hơn 50,000 tội phạm được đưa đến Mỹ, và họ đã góp phần đáng kể trong thời điểm ban đầu của tiến trình phát triển thành Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Chỉ sau khi Mỹ trở thành độc lập thì mới không nhận thêm tội phạm vào đây.

Phần lớn các tội bị trừng phạt nặng nề lúc đó chỉ là ăn cắp vặt, như thức ăn hay áo quần, để sống còn. Ngày nay nó rất nhỏ, và có khi được ân xá ngay, không đáng để ra tòa. Nhưng thời xưa, người ta có thể bị tử hình bằng hình thức treo cổ. Nhưng kể từ khi có phương tiện đầy đi nơi khác, như Mỹ và Úc, thì Bộ luật Vận chuyển 1717 (Transportation Act 1717) cho tội phạm cơ hội để làm lại cuộc đời, với án nặng thì bị 14 năm, nhẹ thì 7 năm.

Theo nhật báo The Sydney Morning Herald thì cựu Thủ tướng Kevin Rudd có ông cố nội đời thứ 4, tên Thomas Rudd, cũng là một tội phạm, được đưa đến Úc năm 1801 vì ăn cắp một bao đường. Ông Thomas cưới bà Mary Kable, được đưa đến Úc năm 1804, vì ăn cắp một mảnh vải. Các nghiên cứu này là do Nhà thờ Mormon của Úc thực hiện, và khi ông Rudd lên làm Thủ tướng năm 2007, Mormon Church đã trình bày cuộc điều nghiên này cho ông Rudd ngày 31 tháng 7 năm 2008. Trong cuốn hồi ký “Không phải cho người yếu tim” (Not for the Fainted-hearted), Rudd cũng trình bày các chi tiết về nguồn gốc của mình.

Một thời người Úc cảm thấy xấu hổ vì quá khứ tội phạm của cha ông mình, nhưng giờ đây họ lại cảm thấy tự hào. Niềm tự hào đó có lẽ là do chính nỗ lực của những người từng là tội phạm, nhưng sau khi xong bản án, họ đã cố gắng làm lại cuộc đời. Bằng mồ hôi nước mắt và hai bàn tay trắng của họ. Và nhờ công lý và luật pháp cho cơ hội, họ có thể xây dựng lại. Và vươn lên, như bao người khác. Hệ thống công lý tội phạm (Criminal Justice System), vì thế, rất là quan trọng cho mỗi quốc gia. Trừng phạt sao cho thích đáng với tội lỗi, nhưng luôn tạo cơ hội để người ta có thể làm lại cuộc đời và hội nhập lại đời sống sau khi mãn tù. Nó phải mang tính cách nhân bản và công lý. Cái nhìn về tội phạm ngày nay cũng đã khác nhiều.

Như thế, con cháu của các tội phạm sau này cũng không có lý do gì để tủi nhục quá khứ của cha ông mình. Điều quan trọng là mỗi cá nhân sống ra sao trong cuộc đời mình, thay vì dựa vào công danh hay tội phạm, của gia đình hay những người liên hệ. Không ai trong chúng ta thay đổi được quá khứ, nhất là quá khứ đã xảy ra trước khi mình ra đời (ngoại trừ các chế độ độc tài cộng sản chủ trương thay đổi quá khứ để kiểm soát hiện tại và tương lai). Nhưng chúng ta có thể thay đổi tư duy, của chính mình trong hiện tại, để chọn hướng đi tích cực cho mình trong quãng đời còn lại.

Một nước Úc với gần hai trăm ngàn tội phạm, cách đây hai thế kỷ, mà giờ đây nhiều con cháu họ đã trở nên thành công trong mọi địa hạt, kể cả lãnh đạo chính trị quốc gia. Úc là một quốc gia vô cùng nhân bản, thể hiện qua cách sống của đại đa số người dân Úc, lan tỏa đến những người di dân đến sau này. Lòng bao dung, nhân bản, và các giá trị về công bằng, công lý và nhân quyền đã là nền tảng vững chắc tại đây. Đây chính là nền tảng cho sức mạnh thực sự của một quốc gia.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG