Công ty Việt Nam bị Mỹ phạt 860.000 USD vì vi phạm chế tài về Triều Tiên

Các chai bia trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của Tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/5/2015. Sabeco hiện thuộc công ty TNHH Vietnam Beverage mới bị Mỹ phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt về Triều Tiên.

Một công ty đồ uống của Việt Nam vừa đồng ý trả khoản tiền phạt 860.000 USD cho Bộ Tài chính Mỹ sau khi bị phát hiện có các hoạt động kinh doanh vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ hôm 17/10 đưa ra thông báo rằng “Công ty TNHH Vietnam Beverage, một công ty đồ uống có cồn có trụ sở tại Việt Nam, đã đồng ý giải quyết trách nhiệm dân sự tiềm ẩn của các công ty con đối với 43 hành vi vi phạm rõ ràng Quy định trừng phạt Triều Tiên” của Hoa Kỳ.

Quy định trừng phạt Triều Tiên (NKSR) cấm các tổ chức tài chính Mỹ hỗ trợ xuất khẩu rượu và các mặt hàng khác sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Mục đích này, theo Bộ Tài chính Mỹ, là để gây sức ép buộc chế độ của Triều Tiên phải dừng chương trình tên lửa hạt nhân của mình.

Giải thích về những vi phạm của công ty Việt Nam, OFAC cho biết tằng từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2018, các công ty con của Vietnam Beverage đã khiến các tổ chức tài chính Hoa Kỳ phải xử lý hơn 1,1 triệu USD tiền thanh toán cho việc bán đồ uống có cồn cho Triều Tiên.

Theo thông tin từ thông cáo thực thi mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra kèm theo, các công ty con của Vietnam Beverage đã xuất khẩu đồ uống có cồn cho khách hàng trên toàn cầu, bao gồm một số khách hàng lâu năm hoặc có liên quan đến Triều Tiên. Theo đó, trong thời gian gần 3 năm nêu trên, các công ty này đã nhận được 43 khoản thanh toán điện tử với tổng số tiền khoảng 1.141.547 USD từ các giao dịch bán hàng thông qua bên trung gian có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Seychelles.

Bộ Tài chính nói rằng tất cả các giao dịch chuyển khoản điện tử này “đều được xử lý bởi các ngân hàng chi nhánh của Mỹ hoặc, trong một số trường hợp, được khởi xướng bởi một chi nhánh nước ngoài của một tổ chức tài chính của Hoa Kỳ”. Việc này, theo Bộ Tài chính, đã khiến các tổ chức tài chính Mỹ “phải xuất khẩu dịch vụ tài chính sang Triều Tiên”.

OFAC cho biết công ty Việt Nam đã không tự nguyện tiết lộ các hành vi vi phạm này nhưng cơ quan của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc này “cấu thành một trường hợp không nghiêm trọng” và số tiền 860.000 USD mà công ty Việt Nam đồng ý chi trả để giải quyết trách nhiệm “phản ánh quyết định của OFAC”. Mức tiền phạt cao nhất cho hành vi vi phạm này là 1,7 triệu USD.

Các cuộc gọi của VOA tới Công ty TNHH Vietnam Beverage để xin bình luận không được hồi đáp.

Vietnam Bevarage hiện đang thuộc sở hữu gián tiếp của Thai Beverage, chủ sở hữu thương hiệu bia số 1 Chang (Elephant) của Thái Lan. Tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại cổ phần kiểm soát tại Nhà máy bia Sabeco, vốn nổi tiếng với các thương hiệu bia như Saigon Special hay Bia 333, vào năm 2017. Sau thương vụ này, Vietnam Beverage được thành lập với 53% cổ phần của Sabeco thuộc tập đoàn ThaiBev.

Bộ Tài chính Mỹ không cho biết những nhãn hàng đồ uống nào của Vietnam Beverage được bán cho Triều Tiên.

Theo OFAC, Vietnam Beverage “đã hợp tác đáng kể” với cuộc điều tra của họ và “cung cấp cho OFAC các thông tin về các vi phạm tương tự, cung cấp các tài liệu bổ sung, phản hồi nhanh chóng các yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện nhiều thỏa thuận đình chỉ”.

Vụ việc này, theo OFAC, đã cho thấy rằng “việc không có chương trình tuân thủ lệnh trừng phạt dựa trên rủi ro có thể làm tăng khả năng vi phạm lệnh trừng phạt tiềm ẩn” trong bối cảnh có “những nỗ lực của CHDCND Triều Tiên nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế”.

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã kéo dài hàng thập kỷ và bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cũng như áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cùng với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của họ.

Dù Triều Tiên bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cô lập cũng như tìm cách ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân của nước này nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục quan hệ hợp tác với Bình Nhưỡng.

Theo truyền thông trong nước, tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Sang Kil tại Hà Nội hôm 10/9, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng Hà Nội và Bình Nhưỡng tiếp tục hợp tác và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Your browser doesn’t support HTML5

Công ty ở Việt Nam bị Mỹ phạt 860.000 đôla vì vi phạm chế tài Triều Tiên