Công ty mạng TQ tìm cách xâm nhập Việt Nam bất chấp căng thẳng Biển Đông

Tạp chí Forbes mới đây đã đăng tải một bài blog nói rằng các tranh chấp về lãnh hải trên Biển Đông không gây trở ngại đối với các công ty Internet và phát triển phần mềm Trung Quốc ở Việt Nam.

Tạp chí của Mỹ cho rằng các tranh chấp lãnh thổ thường gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, mà ví dụ điển hình là các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản.

Họ đã vấp phải phản ứng dữ dội của người tiêu dùng theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc sau khi căng thẳng bùng lên trên quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng trong tình thế tương tự khi Bắc Kinh mạnh mẽ lên tiếng nhận chủ quyền ở Biển Đông.

Nhưng bất chấp các bất đồng, theo Forbes, Việt Nam đang trở thành một bệ phóng ưa thích cho các công ty Internet Trung Quốc.

Baidu, công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet, cũng đã cho ra mắt một website diễn đàn thảo luận ở Việt Nam sau khi chạy thử nghiệm một trang web danh bạ, và dường như con số truy cập vào trang này ngày càng tăng dù Google vẫn là công cụ được ưa thích nhất tại Việt Nam.

VOA Việt Ngữ đã truy cập vào trang web bằng tiếng Việt của Baidu trên đó người sử dụng có thể tạo các box riêng về các chủ đề mình quan tâm và kêu gọi bạn bè cùng bàn luận.

Vấn đề Biển Đông cũng xuất hiện trên trang này, nhưng không thu hút được nhiều thảo luận.

Theo ICT News, trang tin nhanh công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, công ty Baidu đang ‘âm thầm đổ bộ vào Việt Nam’.

Trang tin này cho rằng sự có mặt của Baidu trên thị trường trực tuyến trong nước ‘báo hiệu sẽ có một sự ‘đe dọa’ lớn cho các doanh nghiệp ngành nội dung số và kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam.

Việt Nam hiện cũng nằm trong radar của Tencent, công ty mà mới năm ngoái đã bắt đầu công cụ WeChat bằng tiếng Việt. App trên mạng xã hội này hiện có 1 triệu người sử dụng, và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có thể sử dụng công cụ phổ biến ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Forbes cho rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đã đặt câu hỏi rằng liệu Việt Nam có nên phụ thuộc vào các phần mềm của Trung Quốc cũng như đặt dấu hỏi về khả năng những công cụ đó có chứa phần mềm gián điệp hoặc mã độc đánh cắp tài liệu.

Nguồn: Forbes, ICT News

http://www.youtube-nocookie.com/embed/4ovmQg51WC4?list=PL0Xd6_vQV82LCudJK71X7MHMDWYDAxgBN